Ấn Độ-Pakistan: Căng thẳng chưa từng thấy
Thế giới vừa chứng kiến một trong những cuộc đối đầu căng thẳng nhất giữa các lực lượng vũ trang Pakistan và Ấn Độ trong vài năm qua.Pakistan sau đó khẳng định Ấn Độ đã bắn qua đường ranh giới kiểm soát chia cắt 2 khu vực Kashmir, làm 6 thường dân thiệt mạng. Lực lượng quân sự 2 bên đã giao tranh ở khoảng một chục địa điểm biên giới trong những ngày gần đây.
Vào ngày 27/2 đã xảy ra cuộc đối đầu quân sự khốc liệt giữa Ấn Độ và Pakistan khi các máy bay chiến đấu của không quân Ấn Độ đấu với các máy bay chiến đấu Pakistan trong một trận không chiến chưa từng có ở khu vực Kashmir đang tranh chấp, hiện do Ấn Độ kiểm soát.
Đây là trận không chiến lớn đầu tiên giữa các máy bay chiến đấu Ấn Độ và Pakistan kể từ sau Chiến tranh Ấn Độ-Pakistan năm 1971 lần thứ ba.
Trong cuộc đối đầu này, các lực lượng vũ trang Pakistan khẳng định đã bắn hạ được ít nhất 2 máy bay chiến đấu Sukhoi của Ấn Độ đang bay qua khu vực Kashmir đang tranh chấp.
Ấn Độ ngay sau đó đã đáp trả cuộc tấn công của Pakistan và tuyên bố rằng, các lực lượng vũ trang của họ đã hạ một máy bay chiến đấu F-16 của Pakistan, mặc dù không quân Pakistan một mực khẳng định họ không sử dụng máy bay chiến đấu trong cuộc đối đầu.
Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan không phải là mới. Tuy nhiên, điều khiến cuộc xung đột này trở nên khác biệt là lần đầu tiên kể từ năm 1971, Ấn Độ và Pakistan tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ của nhau.
Tờ Aljazeera cho rằng, lý do dẫn đến đòn phản công “mạnh tay” của Ấn Độ có thể một phần do ảnh hưởng của các cuộc bầu cử sắp diễn ra tại quốc gia này còn Pakistan thì không muốn bị mất mặt và Islamabad muốn bảo đảm rằng những cuộc tấn công như vậy từ phía New Dehli sẽ không “trở thành thông lệ” trong tương lai.
Các hành động đáp trả lẫn nhau giữa 2 nước thời điểm này được coi là sự leo thang quân sự nghiêm trọng nhất trong gần 2 thập kỷ qua, kể từ cuộc khủng hoảng Kargil, song nguy hiểm hơn nó diễn ra vào đúng mùa bầu cử tại Ấn Độ, khi Thủ tướng Narendra Modi muốn tìm kiếm một nhiệm kỳ thứ hai.
Về phía Pakistan, tân Thủ tướng Imran Khan là người nhận được hậu thuẫn của lực lượng quân đội hùng mạnh. Ông Khan muốn chứng tỏ rằng chính quyền của ông có thể trụ vững trước Ấn Độ, ngay cả khi Pakistan đang tìm kiếm gói cứu trợ về kinh tế từ phía Saudi Arabia và Trung Quốc. Đối với Thủ tướng Imran Khan, việc không đáp trả các đợt tấn công từ phía Ấn Độ sẽ bị coi là “sự thất thế về mặt chính trị” còn đối với quân đội Pakistan, việc thiếu phản ứng sẽ là sự “mất thể diện”, làm xói mòn tinh thần chiến đấu.
Những ngày qua, căng thẳng có xu hướng giảm bớt khi Pakistan ngày 1/3 đã tuyên bố thả phi công của Ấn Độ bị bắt ngày 27/2 như một cử chỉ hòa bình. Thủ tướng nước này Imran Khan cũng kêu gọi Ấn Độ giải quyết mọi vấn đề thông qua đối thoại. Trong bài phát biểu trên truyền hình ông nêu rõ: “Tất cả các cuộc chiến lớn xảy ra đều do tính toán sai lầm. Câu hỏi của tôi đưa ra cho phía Ấn Độ là với những loại vũ khí chúng ta có, liệu chúng ta có dám đưa ra những tính toán sai lầm hay không?".
Theo một số nhà phân tích, để tiến trình hòa bình diễn ra, các nhà lãnh đạo của cả 2 nước cần phải thay đổi trọng tâm đối thoại, tập trung vào vấn đề kinh tế và xã hội thay vì quan tâm nhiều đến tranh chấp tại khu vực Kashmir. Khi đó tình hình căng thẳng có thể dần hạ nhiệt.
Vậy cộng đồng quốc tế có thể làm gì để ngăn chặn nguy cơ chiến tranh bùng phát giữa 2 quốc gia này? Trong quá khứ, Ấn Độ và Pakistan đã từng đề nghị Mỹ, Trung Quốc và Nga giúp đỡ về ngoại giao. Do đó, các quốc gia này có thể xúc tiến những nỗ lực ngoại giao giúp 2 bên giải quyết các xung đột bằng con đường hòa bình. Tuy nhiên, việc tìm kiếm giải pháp vẫn phụ thuộc phần lớn vào chính phủ Ấn Độ và Pakistan. Nếu 2 bên không thu hẹp được bất đồng thì sẽ dễ rơi vào cuộc chiến tranh hạt nhân mà hậu quả còn vượt ra ngoài lãnh thổ của cả Ấn Độ và Pakistan.