Mỹ và EU khởi động tìm lối thoát cho bất đồng thương mại
Liên minh châu Âu (EU) được xem là “nút thắt” thương mại cuối cùng trong hàng loạt các hiệp định thương mai đa phương và song phương mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump yêu cầu phải xem xét, đàm phán lại để không bị ảnh hưởng tới “an ninh” của nước Mỹ.Trong đó có hai vấn đề mà ông Trump không ít lần nêu ra đối với các sản phẩm từ EU nhập vào Mỹ là nhôm, thép và ôtô.
Tuy nhiên, Mỹ và EU đã đạt một thỏa thuận "đình chiến thương mại" sau cuộc gặp tháng 7/2018 giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker để hai bên tiến hành đàm phán. Theo đó, trong thời gian tìm kiếm các thỏa thuận Mỹ sẽ áp thêm bất kỳ loại thuế nào nhằm vào các sản phẩm của EU.
Nhưng mới đây, ngày 20/2, phát biểu với báo giới, Tổng thống Trump lại nhấn mạnh: "Chúng tôi đang đàm phán. Nếu không thể đạt thỏa thuận, chúng tôi sẽ áp thuế".
Lời cảnh báo trên được đưa ra với mức độ cao hơn, sau khi Bộ Thương mại Mỹ nộp báo cáo điều tra, qua đó mở đường cho Tổng thống Trump áp thuế cao đối với ôtô nhập từ EU đến 25% trong vòng 90 ngày tới, với lý do đe dọa an ninh quốc gia. Theo đó, năm 2017, gần 50% tổng số 17 triệu xe ôtô bán ra tại thị trường Mỹ là hàng nhập khẩu. Hầu hết đều có nguồn gốc từ Canada và Mexico, 2 quốc gia sẽ được Mỹ miễn trừ nếu áp thuế nhập khẩu ôtô. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất VDA, năm 2018, Đức xuất khẩu 470.000 ôtô sang thị trường Mỹ.
Động thái đó có nguy cơ sẽ gây ra một cuộc chiến tranh thương mại giữa hai bên. Đáng chú ý, Đức được cho là đối tác mà Nhà Trắng muốn nhắm đến với cáo buộc gây tổn hại cho ngành công nghiệp ôtô của Mỹ.
Ngay lập tức, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng sẽ "thật kinh khủng" nếu báo cáo trên kết luận các sản phẩm ôtô nhập khẩu từ EU là mối đe dọa với an ninh quốc gia của Mỹ và khiến Washington áp thuế nhập khẩu với những sản phẩm này.
Trong khi đó, để thực hiện thỏa thuận tháng 7/2018 giữa Mỹ và EU, trong thông báo ngày 2/3, người phát ngôn EC cho biết Ủy viên phụ trách thương mại của EU Cecilia Malmstrom dự kiến sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ, Đại diện Thương mại Robert Lighthizer, vào ngày 6/3 tới tại Washington. Đồng thời, Tổng Thư ký EC Martin Selmayr và Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ Larry Kudlow cũng sẽ có các cuộc gặp nhằm tìm lối thoát cho các bất đồng thương mại Mỹ-EU.
Đây là cuộc đàm phán thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương được cho khá gay go phức tạp. Nếu không tìm được tiếng nói chung thì sẽ diễn ra cuộc chiến thương mại.
Trong khi đo, để đại diện thương mại EU tiến hành đàm phán với Mỹ phải có sự ủy quyền của các nước thành viên. Ngày 19/2, Ủy ban Thương mại quốc tế thuộc Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu ủng hộ EU khởi động đàm phán với Mỹ về một thỏa thuận nhằm hạ mức thuế quan đối với các mặt hàng công nghiệp của hai bên, khuyến khích các nước thành viên ủng hộ đàm phán với Mỹ.
Dự kiến, nghị quyết này sẽ được đưa ra bỏ phiếu trong phiên họp toàn thể của EP vào tháng 3 tới. Mặc dù nghị quyết này không có tính ràng buộc về pháp lý, nhưng nó sẽ mở ra cơ hội đàm phán với Mỹ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc bất kỳ thỏa thuận mà Mỹ và EU nhất trí sẽ được EP thông qua.