Khu chạm khắc đá cổ Sa Pa – Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia
Một khối đá nằm trong bãi đá cổ Sa Pa. |
Các bức chạm khắc đá Sa Pa bao gồm nhiều mô típ rất quen thuộc gần với các họa tiết trang trí của cư dân nông nghiệp nước ta: Hình tròn khắc vạch tương đối giống cấu trúc hoa văn thời kỳ văn hóa Hoa Lộc, có thể dùng để tượng trưng cho mặt trời với những tia nắng, hay là những bánh xe của guồng nước; hình chữ thập trong vòng tròn; hình chữ S vắt chéo... đều liên quan đến tục thờ thần mặt trời của cư dân nông nghiệp.
Điều nổi bật chiếm vị trí quan trọng trong các hình chạm khắc là hình người với 11 kiểu khác nhau có hình người tay dang rộng đầu tỏa những tia sáng, có hình người như lộn ngược... Ngoài ra còn xuất hiện một hình kiểu nhà sàn mái cong, kiểu hình thuyền úp ngược, loại này thường thấy ở cư dân Môn Khơ Me và trống đồng Đông Sơn loại I. Đại bộ phận đều mang đậm dấu ấn của tư duy tạo hình giản đơn và khúc triết, xuất phát từ những con người nguyên sơ, đời sống gắn bó sâu sắc với tự nhiên.
Bãi đá cổ Sa Pa được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hoá quốc gia. |
Khu chạm khắc đá cổ Sa Pa, ngoài những giá trị về lịch sử, nền văn minh của dân tộc Việt cổ tại khu vực miền Tây Bắc của Tổ quốc Việt Nam còn ẩn chứa những giá trị nghệ thuật to lớn về một bức tranh sinh động trên đá và chỉ được tồn tại ở một số ít quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, các hình chạm khắc này phản ánh một bước phát triển mới về tư duy của người Việt cổ, một cuộc cách mạng về sự phát triển của nền văn minh, hình thành nên một không gian văn hóa rất riêng qua nhận thức về môi trường sống của cộng đồng. Những loại hình chạm khắc này thuộc nhiều lớp khác nhau theo diễn biến chiều sâu của lịch sử, của cư dân các nền văn hóa như Hòa Bình, Bắc Sơn, Đông Sơn…khắc họa sự phát triển của loài người, của một dân tộc, một quốc gia.
Có rất nhiều cách giải mã khác nhau của các nhà khoa học khi đến nghiên cứu Bãi đá cổ Sa Pa. Tuy nhiên, tất cả những cách giải mã đó mới chỉ dừng lại ở giả thiết. Bãi đá cổ Sa Pa vẫn nằm đó, ẩn dấu những bí ẩn của người cổ xưa, thách thức các nhà khoa học.
Từ tháng 10/1994, Bãi đá cổ Sa Pa được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hoá quốc gia. Hiện nay, di tích này đang được nhà nước đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới.