Ðón tết trên đỉnh Fansipan

Ðối với người Việt nói chung và những người đi làm ăn xa nhà nói riêng, tết là dịp đoàn viên, trở về bên gia đình, người thân. Có những người do đặc thù công việc không thể về nhà dịp tết; có người lại chọn đi du lịch và đón tết cùng gia đình, bạn bè ở những vùng đất đặc biệt. Trong ngày đầu tiên của năm Kỷ Hợi, chúng tôi đã được gặp những người đón tết trên đỉnh Fansipan - “Nóc nhà Đông Dương” với những cảm xúc đặc biệt.
Lee Joo Ho (người cầm thẻ tên) cùng nhóm sinh viên Hàn Quốc đón Tết Việt Nam trên đỉnh Fansipan.

Nằm ở độ cao 3.143 m so với mực nước biển, thuộc dãy Hoàng Liên Sơn hùng vỹ, Fansipan là đỉnh núi cao nhất Việt Nam và được ví như “Nóc nhà Đông Dương”. Đối với mỗi người Việt, Fansipan là nơi linh thiêng, hội tụ linh khí của trời đất, nơi mà ai cũng muốn một lần chinh phục và chạm tay vào đỉnh núi. Năm 2016, Tập đoàn Sun Group đã đưa vào vận hành hệ thống cáp treo 3 dây hiện đại, rút ngắn thời gian chinh phục đỉnh Fansipan từ 2 ngày xuống còn 20 phút, khiến giấc mơ chinh phục đỉnh cao trở nên dễ dàng với bất cứ ai. Cùng với đó, quần thể công trình Phật giáo tiêu biểu, như Vọng Lĩnh cao đài, Bảo An thiền tự, Bích Vân thiền tự, Kim Sơn Bảo Thắng tự, đường La Hán, tượng Quan thế âm bồ tát… và mới đây, ngọc xá lợi Phật được các cao tăng Myanmar trao tặng được Khu du lịch cáp treo Fansipan mang về đặt trong lòng đại tượng Phật tại Fansipan càng làm nơi đây trở thành điểm đến đặc biệt, hấp dẫn trong dịp đầu năm mới.

Người đầu tiên chúng tôi tìm gặp tại đỉnh Fansipan trong buổi sáng đầu tiên của năm Kỷ Hợi là anh Đào Văn Vinh (quê ở Yên Bái), nhân viên vận hành tàu hỏa leo núi của Khu du lịch cáp treo Fansipan. Từ khi vào làm tại Khu du lịch cáp treo Fansipan, đây là năm thứ 2 liên tiếp anh Vinh đón tết ở Sa Pa. Do trực vận hành và chuẩn bị đón khách trong sáng đầu tiên của năm mới, Vinh và gần 20 nhân viên khác phải lên từ hôm trước, ở lại và đón giao thừa trên đỉnh Fansipan. Đây cũng là lần đầu tiên Vinh được đón giao thừa ở một nơi đặc biệt như thế.

Gia đình anh Đỗ Xuân Nam chụp ảnh trên đỉnh Fansipan hùng vỹ.

“Đêm 30, gần 20 anh em trên đỉnh Fansipan ngồi quây quần bên mâm cỗ tết, ai cũng nhớ nhà, nhớ người thân, thi thoảng có người lại lấy điện thoại ra gọi về xem ở nhà đón tết ra sao. Vừa ngồi xem chương trình Táo quân, mọi người vừa kể cho nhau nghe về tết quê mình và động viên nhau cho vơi nỗi nhớ. Được công ty quan tâm nên tết ở đây không thiếu thứ gì, có hoa đào, bánh chưng và cả những tấm lòng cùng hướng về quê nhà của những người xa quê. Đón tết ở đây rất khác, giây phút giao thừa mọi người đều đứng dưới chân cột cờ Tổ quốc, ai cũng bồi hồi, xúc động xen lẫn tự hào” - Đào Văn Vinh tâm sự.

Trong hành trình lên đỉnh Fansipan sáng mồng 1 Tết, tôi được đồng hành với gia đình ông Phạm Văn Xuyền, cựu giảng viên Học viện Hậu cần (Hà Nội). 75 tuổi, vượt hơn 300 cây số từ Hà Nội đến Sa Pa, đây là lần đầu tiên ông được đặt chân lên đỉnh Fansipan, đồng hành với ông là vợ và con trai. Ông quyết định cùng gia đình đón tết ở Fansipan, bởi với ông, Fansipan không chỉ là đỉnh núi, mà còn là nơi linh thiêng, chiêm bái, cầu an, nhất là khi ngọc xá lợi Phật vừa được đưa về đặt tại đây. Ông Xuyền tâm sự: “Sau khi nghỉ hưu, tôi có gần 6 năm công tác ở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thường xuyên đi chùa bái Phật. Đi lễ đầu năm cũng là một nét văn hóa của người Việt, cầu cho gia đình bình an. Ở nơi cao nhất Đông Dương, lại có cột cờ Tổ quốc, có các điểm đến tâm linh, nên tôi chọn làm điểm đến trong ngày đầu tiên của năm mới”.

Cũng như gia đình ông Xuyền, gia đình anh Đỗ Xuân Nam (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng vượt cả nghìn cây số để đến Fansipan trải nghiệm, tham quan, chiêm bái dịp tết. “Tết ở Fansipan cũng rất gần gũi, có cả bạn bè trong nước và nước ngoài. Gia đình tôi rất hạnh phúc khi cùng nhau đón tết ở nơi đặc biệt như thế này” - anh Nam nói.

Anh Đào Văn Vinh, nhân viên vận hành tàu hỏa leo núi lần đầu tiên đón giao thừa trên đỉnh Fansipan.

Trong những du khách đến đỉnh Fansipan ngày đầu tiên của năm mới, có rất nhiều khách du lịch người nước ngoài, đặc biệt là khách đến từ các nước có phong tục đón tết cổ truyền theo âm lịch giống người Việt Nam như Hàn Quốc, Trung Quốc… Trong lúc loay hoay chụp ảnh đỉnh Fansipan, chúng tôi được Lee Joo Ho, sinh viên người Hàn Quốc bắt chuyện, nhờ chụp ảnh. Qua làm quen, chúng tôi được biết Lee Joo Ho và hơn 100 sinh viên đang theo học Tiếng Việt tại Đại học Y tế công cộng Hà Nội. Anh cùng bạn bè được nghỉ tết, nhưng không về Hàn Quốc mà chọn Sa Pa làm điểm đến và khám phá.

Lee Joo Ho cho biết: “Ở Hàn Quốc chúng tôi cũng đón tết âm lịch như các bạn. Được đón tết ở Việt Nam là một trong những trải nghiệm tuyệt vời. Lần đầu tiên chúng tôi được đón tết không phải ở đất nước mình, vừa có cảm giác gần gũi, thân quen, vừa thú vị. Tôi được người dân dạy gói bánh chưng, được thưởng thức bánh chưng của người Việt, đó là món ăn rất ngon. Khi về nước, có cơ hội, tôi sẽ làm bánh chưng để cho người thân thưởng thức. Được đón tết cùng các bạn ở nơi đẹp như Fansipan sẽ là trải nghiệm không thể quên đối với chúng tôi”.

Qua trò chuyện với mỗi nhân viên, du khách trong và ngoài nước trong ngày đầu tiên của năm mới trên đỉnh Fansipan, chúng tôi có chung một cảm nhận, ai cũng vui vẻ, hạnh phúc và tự hào khi được tham quan, chiêm bái, trải nghiệm và đón tết ở nơi đặc biệt như “Nóc nhà Đông Dương”.

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

[Ảnh] Lễ hội hoa sen đá trong mùa săn mây đẹp nhất năm tại Sa Pa

Mở đầu cho chuỗi hoạt động kích cầu lớn nhất năm 2024 tại thị xã Sa Pa, ngày 29/10, Khu du lịch Sun World Fansipan Legend tổ chức Lễ hội Hoa sen đá với chủ đề “Chào ánh nắng, chào yêu thương”.

Hơn 100 doanh nghiệp du lịch Sa Pa chung tay kích cầu, ưu đãi đến 50%

Ngày 29/10, UBND thị xã Sa Pa, Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai phối hợp với Khu du lịch Sun World Fansipan Legend tổ chức chương trình kích cầu du lịch lớn nhất năm 2024 với chủ đề “Chạm Sa Pa – Chạm những tầng mây”.

Định hướng phát triển du lịch làng nghề

Nghề thủ công ở Lào Cai xuất hiện từ rất sớm. Làng người Mông thường có một, hai hộ làm nghề rèn đúc, sửa chữa nông cụ, chạm khắc bạc, làm đồ trang sức. Làng người Tày lưu giữ nghề trồng bông dệt vải, bán vải chàm, vải bông ở các chợ vùng cao...

[Ảnh] Bắc Hà mùa thu

Mùa thu, Bắc Hà đẹp mê mẩn với những ngọn núi bao phủ trong mây trắng bồng bềnh, đồi hoa tam giác mạch đang mùa bung nở, các thiếu nữ xúng xính váy áo xuống chợ phiên...

Lên Y Tý ngắm nhà Trình tường

Y Tý là một xã vùng cao của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai với thiên nhiên tươi đẹp, núi non hùng vĩ, không khí trong lành.

[Ảnh] Những điểm đến đẹp ở Sa Pa

Sa Pa đẹp nhất vào mùa nào? Thật khó để có thể tìm một câu trả lời tròn vẹn. Bởi người ta vẫn ví Sa Pa giống như một nàng công chúa, đẹp ở mọi góc cạnh, khuôn hình. Có người thích mùa xuân ngọt ngào; người thích mùa hạ rực rỡ; người thích mùa thu dịu dàng, lãng mạn; người lại thích mùa đông lạnh...