Lào Cai: Thực hiện đồng bộ chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030
Tuy đạt được những kết quả nhất định, nhưng thời gian qua ngành du lịch Lào Cai cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như lượng khách du lịch quốc tế có khả năng chi tiêu cao tăng trưởng chậm lại, khách du lịch nội địa có mức chi tiêu thấp tăng cao; một số tuyến đường giao thông tới các tuyến, điểm du lịch trọng điểm đã xuống cấp, chưa có những chính sách đột phá thúc đẩy phát triển du lịch.
Xuất phát từ nhận thức sâu sắc về tiềm năng, thế mạnh, lợi thế về vị trí địa – chính trị quan trọng, trên cơ sở những kết quả đạt được cũng như những tồn tại hạn chế trong phát triển du lịch thời gian qua, tỉnh Lào Cai đề ra một số giải pháp trọng tâm cơ cấu lại ngành và phát triển du lịch Lào Cai đến năm 2030, trọng tâm là mục tiêu phát triển thương mại - du lịch, dịch vụ là “đột phá”, xây dựng ngành du lịch đẳng cấp cao vượt trội, hướng tới chất lượng khách thay vì số lượng, trong đó hai yếu tố “sự khác biệt” và “mức độ thỏa mãn khách” là thước đo quan trọng.
Đến năm 2030, Lào Cai phấn đấu đón 8,9 triệu lượt khách du lịch.
Tạo cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển; một trong những giải pháp quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy mô hình hợp tác công - tư, tạo nguồn lực cho phát triển du lịch mà tỉnh Lào Cai đã và đang được triển khai trong thời gian tới đó chính là việc hình thành Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch của tỉnh.
Tập trung nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp và sức cạnh tranh của du lịch. Tỉnh Lào Cai tập trung xây dựng sản phẩm theo hướng “Khác biệt” và “Đẳng cấp”. Trong bối cảnh cạnh tranh ở khu vực ngày càng gay gắt, các điểm đến đang đưa ra nhiều chương trình, sản phẩm hấp dẫn để thu hút khách quốc tế, tỉnh Lào Cai chủ trương lựa chọn những nét khác biệt để xây dựng sản phẩm của riêng mình, đồng thời tạo ra những nét độc đáo, riêng biệt so với các tỉnh trong khu vực và cả nước, các doanh nghiệp của tỉnh cũng phát huy sự sáng tạo, năng động của mình, xây dựng sản phẩm có bản sắc riêng, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Trong quá trình phát triển sản phẩm du lịch hạn chế tối đa việc khai thác và xâm hại đến tàinguyên thiên nhiên và khai thác các sản phẩm dưới dạng “thô”, ít đem lại các giá trị về kinh tế, không phát huy được các giá trị tài nguyên.
Về phát triển nguồn nhân lực, bên cạnh việc kiện toàn và phát huy vai trò của các cơ sở đào tạo, cần thúc đẩy sự tham gia vào công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch của các doanh nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Về thị trường khách du lịch và xúc tiến quảng bá du lịch, một mặt tiếp tục duy trì và phát triển nguồn khách ổn định từ các thị trường truyền thống đồng thời, chú trọng thu hút khách du lịch từ các thị trường có tiềm năng lớn. Trong hoạt động xúc tiến, chú trọng khai thác các phân khúc thị trường khách du lịch cao cấp gắn với các nhu cầu nghỉ dưỡng cao cấp; trải nghiệm, thụ hưởng các sản phẩm văn hóa đặc sắc.