Bay trên đỉnh Ky Quan San
Được mệnh danh là nóc nhà của huyện Bát Xát, là đỉnh núi cao thứ 4 của Việt Nam và cao thứ 2 ở Lào Cai sau Fansipan, Ky Quan San hay còn gọi là Bạch Mộc Lương Tử không hổ danh là một trong những “đại đỉnh” thuộc dãy Hoàng Liên Sơn khi mang trong mình tất cả những vẻ đẹp kỳ vĩ, hoang sơ và đầy bí hiểm của đại ngàn.Kỳ 1: Gian nan đường lên Ky Quan San
Ðể chinh phục Ky Quan San, nơi dân phượt vẫn gọi là ranh giới “trên trời” của hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu, bạn chỉ có cách leo bộ từ hướng Lào Cai hoặc Lai Châu.
Đường treo vách núi
Sau hành trình dài ngược núi đến xã Sàng Ma Sáo (Bát Xát), chúng tôi chinh phục Ky Quan San theo hướng đi từ thôn Nậm Pẻn 2. Vừa chạm chân đến đầu thôn đã thấy đỉnh núi cao ngất như bức tường thành phía sau bản người Dao đỏ. Mây vờn quanh che khuất đỉnh núi. Thấy mọi người chỉ trỏ to nhỏ rằng đó là Ky Quan San, anh Thào A Khứ, “thổ công” của xã và cũng là một trong những người đưa đường cười vang: Đây không phải là Ky Quan San đâu! Rồi anh trêu: Đây chỉ là cháu, là chắt thôi! Cô bạn người miền xuôi thủ thỉ: Từ bé đến giờ, đến một quả đồi tôi còn chưa từng bước qua, nói gì đến ngọn núi cao ngất kia. Vậy mà anh Khứ bảo mới chỉ là “cháu, chắt”, vậy không biết “cụ, kỵ” của nó hùng mạnh đến mức nào!
Trên đường chinh phục đại đỉnh có nhiều đoạn đổ nghiêng theo vách núi. |
Sau khi đi hết bậc đá dẫn lên ngôi nhà cuối cùng trong thôn Nậm Pẻn 2, chúng tôi men theo con đường đất. Tháng 3, thời tiết vẫn còn se lạnh, vậy nhưng “lâm trận” mới một lúc, con dốc cao khiến người nào người nấy “thở ra đằng tai”, khuôn mặt đỏ bừng, lấm tấm mồ hôi. Cả đoàn không ai bảo ai lần lượt cởi bỏ áo khoác ngoài. Thu Hà - cô gái miền xuôi - ngồi phịch xuống vệ đường thở dốc. Tôi cũng thấy tim mình đập thình thịch. Một số thanh niên nhảy phắt qua chiếc hào sâu vào nương bên đường, loáng chốc cầm ra một bó vầu dài chừng 1 m. “Thổ công” Khứ nói đây là chiếc gậy thần kỳ giúp mọi người vượt núi và mệnh lệnh: “Chúng ta sẽ đi tốc độ vừa phải, đều chân, tránh lúc nhanh lúc chậm, không nên dừng lại đột ngột cũng không nên dừng nghỉ quá lâu sẽ gây mệt và nguy hại cho sức khỏe. Khi nào thực sự mệt mới nghỉ để lấy sức”. Nghỉ đôi phút, cả đoàn hơn 20 người lại hối hả lên đường. Một vài người thi thoảng lui phía sau dừng nghỉ, lúc ấy, A Khứ lại đứng ở trên đầu dốc giục bước.
Cứ thế ngược dốc hơn 2 tiếng đồng hồ, cả đoàn đến một đỉnh núi cao 1.500 m. Đoạn đường chưa đầy 30 m chênh vênh đổ dạt theo vách núi đá lởm chởm, nhọn hoắt. Đường đi chỉ là những hốc đá vừa một bàn chân, lại không có cây mọc hai bên để người qua có thể bám víu nên nguy hiểm vô cùng. Nhanh như sóc, A Khứ và một số người dân bản địa lao vun vút xuống vách núi, số còn lại ở phía trên trợ giúp cả đoàn qua đường khó. Đi ngửa người rất nguy hiểm, có thể đổ xuống vực bất cứ lúc nào nên chúng tôi được hướng dẫn đi theo kiểu giật lùi. Với cách này, thân người áp sát vào vách núi, chân và đôi tay bám chặt vào các hốc đá để buông người được an toàn. Sau một hồi vật lộn, chúng tôi cũng vượt qua. Ngước nhìn lại vách núi, tim tôi vẫn đập thình thịch lo lắng ngày trở về.
Đếm từng bước chân
Rời vách đá, xuyên qua đoạn đường mòn chằng chịt cỏ gai và cây bụi là thung lũng rộng mênh mông. Thật lạ, chẳng biết vô tình hay hữu ý, con đường trở thành ranh giới ngăn đôi, phía bên phải là sườn núi thoai thoải với những nương ngô đã thu hoạch, trơ lại thân cây khô trắng, phía bên trái là rừng đá tai mèo đen sì chĩa thẳng lên trời xanh. Nằm trên độ cao 1.700 m lại không có rừng cây bao bọc nên gió ở đây rất mạnh, thổi ràn rạt vào vạt hoa dại tím bên đường.
Những đôi chân thấm mệt nặng nề nhấc từng bước trên nền đất khô khốc, bụi bay mịt mù. Cậu bạn cùng đoàn bỗng nổi chí tang bồng chèo lên mỏm đá cao, cởi phăng chiếc áo mặc ngoài để lộ tấm lưng rám nắng rồi bắc loa “hu hu… la la”. Tiếng kêu vang vọng làm lay động núi rừng, có bầy chim đâu đó giật mình kêu keng kéc, bay loạn. Cả đoàn ai nấy đều thích chí hò hét âm vang xua tan mệt mỏi.
Gian khó nhất là sống lưng khủng long. |
Đi thêm chút nữa là rừng cây tống quá sủ rộng mênh mang. Bình thường lá cây xanh ngắt khép tán. Nhưng giờ đang vào mùa xuân, rừng cây bắt đầu đâm chồi nên lá thưa thớt không đủ che cái nắng gần trưa. Mặt trời đứng bóng, oi ả. Mọi người thấm mệt, đôi chân mỏi nhừ không muốn bước. Tìm một tảng đá lớn ven đường, tôi dựa lưng, nghe hơi đá lạnh thấm qua làn áo thật sảng khoái. Đôi chân được phút nghỉ ngơi duỗi dài trên đám lá khô mục, nghe rõ từng thớ cơ giật liên hồi. Nhưng vì không muốn lỗi hẹn với hoàng hôn núi Muối, với những biển mây trắng tinh ở độ cao 2.100 m nên chúng tôi lại vội vã lên đường.
Càng đi, đoạn đường càng thêm gian khó, cứ lên mãi như không có điểm dừng. Trời nắng gắt, mồ hôi túa ra đẫm áo. Lý trí bảo rằng phải đi thật nhanh đến dòng suối đá để nghỉ trưa nhưng đôi chân dường như không muốn bước. Hơn 20 người chia thành mấy tốp, tốp của những người khỏe, người khỏe một chút và người yếu mệt. Đoạn đường dốc dựng, ban đầu là 30 m thì nghỉ một lần nhưng sau đó cứ thu hẹp dần 20 m, 10 m rồi 5 m lại dừng nghỉ. Cô bạn người miền xuôi “thở không ra hơi”. Chúng tôi lê từng bước chậm chạp.
Đỉnh Sừng trâu và sống lưng Khủng long
Sau đêm nghỉ lấy sức ở núi Muối, đoàn lại tiếp tục lên đường. Đoạn đường hôm nay ngắn hơn nhưng gian khó gấp bội vì đa phần là đỉnh cao, vách đá. Trong vô số trải nghiệm từ độ cao 2.100 m đến đỉnh Ky Quan San hùng vĩ thì đỉnh Sừng trâu và sống lưng Khủng long có thể xếp vào hàng oanh liệt. Thực ra, đây chỉ là cách nói hình tượng của người dân địa phương về hai đỉnh núi trên cung đường chinh phục đại đỉnh, nghe qua cũng phần nào mường tượng sự gian khó của đoạn đường. Còn tôi khi đã được “mục sở thị” thì càng chắc như đinh đóng cột rằng không chỉ gian nan mà chúng còn vô cùng nguy hiểm.
Miệt mài chinh phục, chúng tôi đến điểm cao gần 2.500 m. A Khứ giới thiệu: “Người dân địa phương gọi đây là đỉnh Sừng trâu vì nhìn từ xa dáng núi như chiếc sừng trâu chĩa thẳng lên trời”. Quả là giống thật, chân núi choãi rộng nhưng ngọn nhọn hoắt, cao ngất. Đã vượt cung đường vách dựng từ hôm qua nên việc trườn lên thân Sừng trâu cũng không phải là vấn đề quá lớn, nhưng điều đáng sợ nhất là khi lên đến đỉnh sừng. Những người vững tim nhất trong đoàn cũng phải choáng ngợp. Nằm ở vị trí cao ngất lại là núi đá nên không có bất cứ loại cây thân gỗ nào sống ở đây mà chỉ có một vài lùm cây bụi, lá nhỏ, xanh thẫm, hai bên là vực sâu hun hút.
Trước đây đỉnh núi được gắn chóp Bạch Mộc Lương Tử, đến tháng 4/2017 đổi lại thành Ky Quan San. |
Tuy nhiên, gian khó nhất phải là sống lưng Khủng long. Bạn đã nhìn thấy khủng long chưa? Dãy núi mà chúng tôi qua không khác gì sống lưng của nó, gập ghềnh, trắc trở và đầy hiểm nguy. Nếu như ở đỉnh Sừng trâu chỉ có một điểm cao thì ở sống lưng Khủng long là vô số điểm cao nối tiếp, mà đường lên những điểm cao ấy thì ôi thôi nó tựa như sợi chỉ nằm chơ vơ trên núi đá. Nếu vô tình đi chệch thì chỉ có nước lăn dài xuống vực sâu nghìn mét. Lúc ở đỉnh dốc bỗng gió mạnh thổi lên ù ù, tôi và cậu bạn phải chắc chân, bấu chặt vào nhau và quay lưng lại chiều gió thổi mới không bị cuốn bay. Có những đoạn dốc cao được cấu tạo bởi tảng đá khổng lồ, nhẵn thín, cách duy nhất vượt qua là bò lên bằng hai tay, hai chân và cả hai đầu gối nữa. Anh bạn cùng đoàn thốt lên: “Cảm giác thật Yomost”. Tôi hiểu anh ấy đang nói đến cảm giác mới mà mình chưa từng trải qua, một cảm giác cực mạnh.
Cung đường đến Ky Quan San với 30 km đường mòn ngược núi, gần 30 ngọn lớn bé, băng qua nhiều suối sâu, vực thẳm... cho chúng tôi quá nhiều trải nghiệm, cảm xúc. Đó là cảm xúc tột đỉnh về sự gian khó, hiểm nguy, cảm xúc vỡ òa khi được chiến thắng khó khăn, chiến thắng chính mình để đến với những cảnh đẹp chốn thần tiên.
Đỉnh núi Ky Quan San thuộc xã Sàng Ma Sáo là đỉnh núi cao nhất huyện Bát Xát, cao thứ 4 ở Việt Nam, là ranh giới tự nhiên giữa hai huyện Bát Xát (Lào Cai) và Phong Thổ (Lai Châu). Tên Ky Quan San cũng chính là tên gọi lâu đời của thôn Ky Quan San nằm dưới chân núi. Trước kia, người Pháp đã ghi tên đỉnh núi này là Ky Kouân Chan trên bản đồ. Cách đây khoảng 6 năm, do có sự nhầm lẫn nên một nhóm phượt khi chinh phục đỉnh núi Ky Quan San đã đặt chóp inox biểu trưng in tên núi là Bạch Mộc Lương Tử. Tuy nhiên, theo khảo sát không có địa danh nào ở xã Sàng Ma Sáo và các xã trong khu vực có tên gọi này. Tháng 4/2017, UBND huyện Bát Xát đã tổ chức khảo sát và đặt lại chóp inox mới trên đỉnh núi mang tên núi Ky Quan San, độ cao 3.046 m so với mực nước biển. |
Kỳ 2: Hấp dẫn Ky Quan San