Một nghiên cứu của Văn phòng Liên hợp quốc về tội phạm và ma túy (UNODC) công bố ngày 7/1 cho biết, nạn buôn người tiếp tục có xu hướng gia tăng. Nghiên cứu được thực hiện dựa trên việc thu thập thông tin từ 142 quốc gia, nhằm đánh giá xu hướng và các loại hình của nạn buôn người.
Giám đốc Điều hành của UNODC Yury Fedotov cho biết, nạn buôn người diễn ra với quy mô khủng khiếp, trong đó các nhóm vũ trang và khủng bố sử dụng buôn người để gieo rắc nỗi sợ hãi và tập hợp các nạn nhân để phục vụ cho việc chiêu mộ những chiến binh mới.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, số nạn nhân của tội phạm buôn người trên toàn cầu có chiều hướng tăng đều đặn kể từ năm 2010. Châu Á và châu Mỹ là các khu vực chứng kiến sự gia tăng lớn nhất về số nạn nhân buôn người. Hầu hết nạn nhân buôn người được phát hiện bên ngoài khu vực xuất phát là từ Đông Á, tiếp theo là châu Phi hạ Sahara. Cùng với đó, số lượng đối tượng bị buộc tội buôn người ở những khu vực này cũng gia tăng.
Buôn người để phục vụ cho các hoạt động bóc lột tình dục là hình thức phổ biến nhất ở các nước châu Âu. Trong khi đó, ở Trung Đông và khu vực châu Phi hạ Sahara, lao động cưỡng bức là hình thức chủ yếu của việc buôn người trái phép. Phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân chính của hoạt động buôn người trên toàn thế giới. Khoảng 3/4 trong nhóm này bị buôn bán để bóc lột tình dục và khoảng 35% nạn nhân phải lao động cưỡng bức.
Một vấn đề mà nghiên cứu tập trung vào là ảnh hưởng của xung đột vũ trang đối với nạn buôn người. Tại các khu vực xung đột – nơi mà vai trò của luật pháp thường bị suy yếu và người dân ít được bảo vệ trước các hoạt động phạm tội, các nhóm vũ trang và nhóm tội phạm đã tận dụng cơ hội này để thực hiện việc buôn bán người.
Giải quyết nạn buôn người là một phần quan trọng trong Chương trình nghị sự Phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Liên hợp quốc luôn yêu cầu các quốc gia thành viên giám sát tiến trình giải quyết vấn đề và báo cáo số nạn nhân theo giới tính, độ tuổi và hình thức bị bóc lột.
Tuy nhiên, vẫn còn có những khác biệt rõ nét trong nhận thức. Nhiều quốc gia ở cận Sahara châu Phi, Nam Á và một số khu vực ở Đông Á chưa đủ năng lực để theo dõi sát sao và chia sẻ dữ liệu về nạn buôn người. Ông Fedotov nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế cần tăng cường hỗ trợ kỹ thuật và đẩy mạnh hợp tác, hỗ trợ tất cả các quốc gia để bảo vệ các nạn nhân, đưa tội phạm ra trước công lý và đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững./.