Ðiều ít biết về tuyến đường đá cổ Y Tý
9 giờ, Y Tý vẫn như nàng công chúa say ngủ trong chiếc chăn sương mù trắng xóa. Rót chén trà nóng sóng sánh tỏa khói sương bay, anh Bùi Văn Mạnh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Y Tý (Bát Xát) bảo, nhà báo lên Y Tý nhiều lần, đã được đi trên tuyến đường đá cổ lần nào chưa? Gợi ý của anh Mạnh càng làm tôi thêm tò mò, bởi từ trước đến nay, tôi chỉ biết có tuyến đường đá cổ Pavi từ xã Dền Sáng sang Phong Thổ (Lai Châu) chứ chưa nghe ai kể hoặc đọc tài liệu nào nói về đường cổ Y Tý. Vậy tuyến đường cổ bí ẩn này có thật hay chỉ là lời đồn đoán?Con đường lát đá cổ ở thôn Lao Chải 1, xã Y Tý. |
Khi tôi đến đầu thôn Lao Chải 1, trưởng thôn người Hà Nhì tên Chu Che Xá đã đợi ở đó. Theo chân Xá, chúng tôi xuôi xuống con dốc, đi chừng 10 phút thì gặp đoạn đường rộng chừng 3 gang tay người lớn, nền đường được lát bởi những phiến đá phẳng. Có đoạn đường rộng hơn được lát bằng những phiến đá to, mặt đá nhẵn thín, nổi vân ngang dọc. Qua đoạn giáp với ruộng bậc thang, con đường nhỏ xuyên vào rừng cây cổ thụ ẩm ướt, sương mù giăng kín lối, có gốc cây to mấy người ôm, thân đầy rêu mốc. Ở đoạn này đường dốc hơn, những phiến đá bám đầy rêu trơn trượt được xếp thành bậc thang rất chắc chắn, nhưng nếu bước không cẩn thận có thể bị trượt chân ngã ngay.
Khi tôi hỏi về con đường đá cổ này, Chu Che Xá cho biết: “Ngày trước, khi chưa có con đường rộng như bây giờ xuống cầu Thiên Sinh, đồng bào Hà Nhì ở Y Tý vẫn đi theo con đường đá này để xuống thung lũng Thề Pả làm ruộng bậc thang, hái rau, lấy củi. Đến mùa gặt, mỗi nhà cử một người tham gia tu sửa con đường này và xếp đá nối dài thêm ra. Ngay cả những người già nhất trong thôn cũng không nhớ được con đường có từ bao giờ. Trước đây, bà con hay chở ngô, thóc bằng ngựa nên bên cạnh đường đá cổ có con đường mòn nhỏ cho ngựa đi”.
Tuy không biết chính xác độ dài của con đường đá ở Y Tý, nhưng nghe nói trước kia đường kéo dài đến Trạm Kiểm soát biên phòng gần cầu Thiên Sinh, vì mưa lũ nên nhiều đoạn bị sạt, đến nay vẫn còn gần 500 m đường lát đá. Theo ông Ly Giờ Có, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Y Tý, làm đường lát đá rất vất vả, vì vừa phải tìm được những viên đá chắc chắn, có mặt phẳng, vừa phải vận chuyển đá, san đất, tạo nền. Khi lát đá cũng cần có kỹ thuật đục đẽo, sắp xếp và lát đá sao cho phù hợp với từng địa hình, rất công phu. Không ai đếm được có bao nhiêu hòn đá được đưa về đây xếp thành con đường này, nhưng có một điều chắc chắn rằng đây là công trình tốn nhiều mồ hôi, công sức nhất của người dân Y Tý trong hàng trăm năm qua. Con đường không chỉ có giá trị về lịch sử, mà còn có giá trị về văn hóa, thương mại suốt một thời gian dài, bây giờ nếu được khai thác sẽ có giá trị lớn về du lịch.