Nét tinh tế trên trang phục đồng bào Dao đỏ

Một bộ trang phục truyền thống của đồng bào Dao đỏ gồm khăn đội đầu, áo và quần. Để thêu được một bộ trang phục truyền thống, phụ nữ Dao đỏ có khi phải làm cả năm trời.

Điểm nhấn và cũng là điều dễ phân biệt đồng bào Dao đỏ với các ngành khác trong dân tộc Dao chính là chiếc khăn đội đầu. Khăn có màu đỏ tươi, ngoài viền được thêu họa tiết. Hai đầu khăn được trang trí bằng những đồng bạc nhỏ có nối dây tua rua điểm hoa làm bằng len, những bông hoa ngăn cách nhau bằng nhiều hạt cườm. Mỗi khi đội lên đầu, những dây hoa rung theo nhịp bước chân, thả mềm mại trên vai người phụ nữ, giống như những bông hoa đào vương trên nền chàm thẫm.

Hằng ngày, đồng bào Dao đỏ vẫn mặc trang phục truyền thống.

Không rực rỡ như chiếc khăn đội đầu nhưng những hoa văn trên tay, thân áo của đồng bào Dao đỏ vẫn thu hút mọi ánh nhìn. Mẫu hoa văn được trang trí nhìn qua có vẻ giống như thêu ngẫu hứng bởi không hề được vẽ mẫu trước, thực ra, chúng có quy luật đã định từ bao đời. Mỗi mẫu hoa văn mang một ý nghĩa riêng, tinh tế nhưng gắn liền với đời sống sinh hoạt, sản xuất hằng ngày của đồng bào Dao đỏ. Đường thêu ngoài cũng được mô tả giống như dòng nước mềm mại, với ý nghĩa mong nguồn nước luôn dồi dào để phục vụ đời sống và sản xuất. Những “dòng nước” uốn quanh, bao bọc đường thêu tiếp theo và họa thành bức tranh về những nương đồi, làng bản ấm no. Hàng thêu tiếp theo mang biểu tượng mong muốn gia đình hạnh phúc, con cháu luôn quây quần, hòa thuận. Trên trang phục của dân tộc Dao đỏ không thể thiếu biểu tượng của những bông hoa rừng. Phụ nữ Dao đỏ gửi vào mỗi đường thêu mong muốn con cháu mình khi sinh ra sẽ xinh đẹp như hoa, có sức sống mãnh liệt, vượt lên mọi khó khăn để sinh tồn như những bông hoa rừng luôn ngát hương trong thời tiết khắc nghiệt.

Người Dao đỏ còn thể hiện sự nỗ lực vươn lên xây dựng cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy bằng những đường thêu mang biểu tượng của ngô, lúa, đồng tiền. Chính vì thế, những mẫu thêu này đồng thời xuất hiện cả ở phần áo và quần, được lặp lại nhiều lần, xen lẫn những họa tiết khác.

Hoa văn ở phần gấu quần lại mang tượng trưng cây thông, thể hiện ý chí vươn lên, tính cách ngay thẳng của người dân vùng cao. Kế tiếp là mẫu hoa văn mang biểu tượng của bàn chân những con vật nuôi quen thuộc như chó, mèo.

Trang phục truyền thống của người Dao đỏ không thể thiếu chất liệu bạc. Những chiếc cúc hình tròn hoặc vuông hay chiếc chuông, giọt lệ… bằng bạc được điểm xuyết tinh tế khiến bộ trang phục trở nên nổi bật. Bạc trong quan niệm của người Dao đỏ không chỉ là món trang sức mà còn giúp họ tránh những cơn gió độc, bảo vệ sức khỏe của bản thân.

Ngày nay, dù xã hội phát triển, nhưng đồng bào Dao đỏ ngày ngày vẫn mặc trang phục truyền thống như ngầm thể hiện những mong muốn về cuộc sống vẹn tròn.

 
Theo Thu Ngọc/LCĐT

Tin Liên Quan

[Ảnh] Lễ hội hoa sen đá trong mùa săn mây đẹp nhất năm tại Sa Pa

Mở đầu cho chuỗi hoạt động kích cầu lớn nhất năm 2024 tại thị xã Sa Pa, ngày 29/10, Khu du lịch Sun World Fansipan Legend tổ chức Lễ hội Hoa sen đá với chủ đề “Chào ánh nắng, chào yêu thương”.

Hơn 100 doanh nghiệp du lịch Sa Pa chung tay kích cầu, ưu đãi đến 50%

Ngày 29/10, UBND thị xã Sa Pa, Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai phối hợp với Khu du lịch Sun World Fansipan Legend tổ chức chương trình kích cầu du lịch lớn nhất năm 2024 với chủ đề “Chạm Sa Pa – Chạm những tầng mây”.

Định hướng phát triển du lịch làng nghề

Nghề thủ công ở Lào Cai xuất hiện từ rất sớm. Làng người Mông thường có một, hai hộ làm nghề rèn đúc, sửa chữa nông cụ, chạm khắc bạc, làm đồ trang sức. Làng người Tày lưu giữ nghề trồng bông dệt vải, bán vải chàm, vải bông ở các chợ vùng cao...

[Ảnh] Bắc Hà mùa thu

Mùa thu, Bắc Hà đẹp mê mẩn với những ngọn núi bao phủ trong mây trắng bồng bềnh, đồi hoa tam giác mạch đang mùa bung nở, các thiếu nữ xúng xính váy áo xuống chợ phiên...

Lên Y Tý ngắm nhà Trình tường

Y Tý là một xã vùng cao của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai với thiên nhiên tươi đẹp, núi non hùng vĩ, không khí trong lành.

[Ảnh] Những điểm đến đẹp ở Sa Pa

Sa Pa đẹp nhất vào mùa nào? Thật khó để có thể tìm một câu trả lời tròn vẹn. Bởi người ta vẫn ví Sa Pa giống như một nàng công chúa, đẹp ở mọi góc cạnh, khuôn hình. Có người thích mùa xuân ngọt ngào; người thích mùa hạ rực rỡ; người thích mùa thu dịu dàng, lãng mạn; người lại thích mùa đông lạnh...