WB: Kinh tế Việt Nam chứng tỏ sự vững vàng
Theo Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã chứng tỏ sự vững vàng cho dù có trở lực bên ngoài, chủ yếu nhờ vào sức cầu mạnh trong nước kết hợp sự năng động của các ngành chế tạo, chế biến theo định hướng xuất khẩu.Dự báo của Ngân hàng Thế giới cho kinh tế Việt Nam. |
Tăng trưởng vững nhưng cần đề phòng các nguy cơ
Theo báo cáo Điểm lại, ấn phẩm bán thường niên về kinh tế về Việt Nam của Ngân hàng Thế giới phát hành hôm nay, 11/12, tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay dự báo vẫn ở mức 6,8%, cao hơn con số 6,3% dự báo cho các nền kinh tế thị trường mới nổi ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.
Về trung hạn, tăng trưởng của Việt Nam dự kiến đi theo xu hướng toàn cầu, giảm dần xuống mức 6,6% và 6,5% cho các năm 2019 và 2020. Lạm phát vẫn được duy trì thấp ở mức 4% do chính sách tiền tệ sẽ được thắt chặt.
“Cho dù bối cảnh toàn cầu có nhiều thách thức, Việt Nam tiếp tục đạt tăng trưởng vững, song song với lạm phát ở mức vừa phải và tỷ giá tương đối ổn định. Các nhà hoạch định chính sách nên tận dụng lợi thế trong lúc động lực tăng trưởng còn đang thuận lợi để đẩy mạnh cải cách cơ cấu nhằm tăng cường đầu tư và tăng trưởng dựa trên khu vực tư nhân, song song với cải thiện hiệu suất đầu tư công”, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng triển vọng trên vẫn tiềm ẩn những rủi ro. Trong bối cảnh thương mại Việt Nam có độ mở cao, dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ còn hạn chế, Việt Nam vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động bên ngoài. Căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang có thể dẫn đến suy giảm nhu cầu về các mặt hàng xuất khẩu, đồng thời thanh khoản trên toàn cầu bị thắt chặt có thể làm giảm dòng vốn đầu tư cũng như đầu tư nước ngoài.
Trong nước, cải cách doanh nghiệp Nhà nước và khu vực ngân hàng chậm lại có thể ảnh hưởng đến viễn cảnh tăng trưởng và gia tăng các nghĩa vụ cho khu vực công.
Báo cáo nêu khuyến nghị, cần duy trì chính sách tiền tệ có khả năng ứng phó, tỷ giá linh hoạt và bội chi ngân sách thấp để nâng cao khả năng chống chịu những cú sốc có thể diễn ra. Bên cạnh đó, những nguy cơ còn lại trong lĩnh vực ngân hàng như: Nợ xấu, khả năng an toàn vốn thấp, tăng trưởng tín dụng chưa bền vững cũng cần được giải quyết triệt để. Đồng thời, củng cố tình hình tài khóa để tạo thuận lợi cho tăng trưởng cũng như triển khai đầu tư trong trung hạn.
Song song đó, những cản trở đầu tư trong nước cũng cần được xóa bỏ: Tăng cường cải cách DNNN thông qua cổ phần hóa sâu và nhanh hơn, cải tổ bộ máy và cách thức quản trị các DNNN còn lại; tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh và pháp quy, bắt kịp các nước trên thế giới, cởi bỏ tiềm năng của khu vực tư nhân. Hiện thị trường vốn còn mỏng, yếu, nên việc cải tổ hệ thống các trung gian tài chính cũng vô cùng quan trọng.
Báo cáo cũng chỉ ra bên cạnh nâng cao hiệu quả đầu tư công, chúng ta còn cần tăng cường kết nối giữa các khu vực kinh tế và tận dụng nguồn vốn tư nhân, tự do hóa một số lĩnh vực.
Đồng thời cần tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, không chỉ phục vụ cho tăng trưởng trước mắt mà còn trong trung hạn, khi Việt Nam vươn lên trong chuỗi giá trị, hàm lượng công nghệ tăng nhanh, lao động rẻ không còn là lợi thế so sánh.
Chuẩn hóa các biện pháp phi thuế quan
Trong bối cảnh Hiệp định Hợp tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) vừa được thông qua, phần chuyên đề đặc biệt của ấn bản Báo cáo Điểm lại kỳ này tập trung bàn về việc đơn giản hóa các biện pháp phi thuế quan nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam. Bản phân tích có tính thời sự này là một sản phẩm của Chương trình Hợp tác Chiến lược giữa Australia và Nhóm Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam giai đoạn 2 (ABP2 ).
Báo cáo nhận định rằng mặc dù thuế quan đang giảm nhanh nhưng số lượng các biện pháp phi thuế quan lại đang tăng lên. Mức thuế ưu đãi bình quân của Việt Nam đã giảm từ 13,1% năm 2003 xuống còn 6,3% năm 2015. Ngược lại, số lượng các biện pháp phi thuế quan lại tăng đến trên 20 lần trong cùng kỳ. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các biện pháp phi thuế quan, nếu được thiết kế và triển khai không tốt, có thể gây hạn chế thương mại, làm méo mó giá cả và suy yếu năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo Báo cáo, hệ thống các biện pháp phi thuế quan của Việt Nam vẫn còn phức tạp, chưa theo thông lệ quốc tế, chưa rành mạch, còn chống chéo gây tốn kém về thời gian và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Một nghiên cứu đưa ra ước tính rằng thuế quan trị giá tương đương của các biện pháp vệ sinh dịch tễ mà Việt Nam đang áp cho hàng nhập khẩu hiện ở mức 16,6%, so với mức bình quân là 8,3% ở các quốc gia ASEAN.
Trước những “trở ngại” này, Báo cáo đề xuất cần áp dụng định nghĩa và phân loại các biện pháp phi thuế quan theo chuẩn quốc tế để tránh sự trùng lắp tăng chi phi thương mại và những tranh cãi không cần thiết khi ký kết các hiệp định thương mại.
Việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu duy nhất, minh bạch, nhất quán về phi thuế quan cũng sẽ giúp doanh nghiệp dễ tuân thủ, đồng thời tăng hiệu quả quản lý cho các cơ quan chức năng.
Trước tình trạng sau rà soát, bãi bỏ, khối lượng thủ tục, “giấy phép con” cản trở hoạt động của doanh nghiệp còn khá nhiều, Báo cáo khuyến nghị lập một quy trình chuẩn đề rà soát, khi thực hiện phải áp dụng đánh giá tác động theo chuẩn quốc tế dựa trên so sánh chi phí và lợi ích; ý kiến các doanh nghiệp và chuyên gia nghiên cứu cũng cần được tiếp thu và quá trình này nên được thực hiện bởi đơn vị độc lập không bị ràng buộc lợi ích…