G20 và những bất đồng giữa các cường quốc
Ngày 30/11, tại Argentina đã chính thức khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) với sự có mặt của lãnh đạo của các cường quốc hàng đầu thế giới, cũng như nhiều đại diện tổ chức quốc tế và khu vực.Những diễn biến sát ngày khai mạc hội nghị G20 càng khiến sự căng thẳng gia tăng. |
G20 là diễn đàn của 20 nền kinh tế gồm 19 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới và Liên minh châu Âu (EU) đại diện cho 2/3 dân số thế giới, tạo ra 85% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, chiếm 75% thương mại quốc tế.
Hội nghị diễn ra trong 2 ngày 30/11-1/12, với chủ đề “Xây dựng đồng thuận vì sự phát triển công bằng và bền vững”, nước chủ nhà Argentina hy vọng đây là cơ hội để các nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên thảo luận và tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề nóng của thế giới, hướng tới việc đạt được một tuyên bố chung chú trọng tới phát triển cân bằng và bền vững.
Tuy nhiên, Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay đang bị phủ bóng đen bởi chính sách bảo hộ thương mại, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc, những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và nhiều thành viên G20 khác, những chia rẽ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và một loạt những căng thẳng khác...
Những diễn biến sát ngày khai mạc hội nghị, như việc Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị G20, hay Washington tuyên bố sẵn sàng áp thêm thuế đối với hàng hóa của Bắc Kinh… càng khiến sự căng thẳng gia tăng.
Đặc biệt, sự thất bại của hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu (G7) ở Canada hồi tháng 6 vừa qua, hay những bất đồng về chính sách bảo hộ thương mại tại hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC) tại Papua New Guinea tháng 11 mới đây, khiến các lãnh đạo không thể thông qua tuyên bố chung là tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế.
Mặc khác, tại 80 hội nghị cấp bộ trưởng G20 diễn ra từ đầu năm tới nay, G20 đã chia sẻ quan ngại về tình hình xung đột thương mại toàn cầu leo thang, tái khẳng định tầm quan trọng của thương mại tự do trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường đối thoại và hành động nhằm giảm nhẹ các nguy cơ và tăng cường lòng tin…
Phát biểu trước lãnh đạo G20 trong phiên khai mạc ngày 30/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng nêu rõ: "Hành động xấu xa trở lại với các biện pháp trừng phạt đơn phương, bất hợp pháp cũng như các biện pháp bảo hộ đang được lan truyền, bỏ qua Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật lệ của WTO và các tiêu chuẩn pháp lý được quốc tế công nhận".
Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay đánh dấu chặng đường 10 năm diễn đàn được nâng cấp, từ một nhóm quy tụ các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng 19 nước có nền kinh tế quy mô lớn và EU, trở thành diễn đàn cấp cao nhất, nơi các nhà lãnh đạo bàn thảo và đưa ra những quyết sách có tác động mạnh mẽ tới hệ thống kinh tế, tài chính và thương mại toàn cầu.
Bởi vậy, Hội nghị Thượng đỉnh 2018 tại Argentina lần này được ví như một cột mốc để nhìn lại những gì mà G20 đã làm được trong thập niên qua, cũng như để G20 khẳng định lại vai trò là diễn đàn hàng đầu về hợp tác kinh tế quốc tế và quản trị kinh tế toàn cầu trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc cực đoan và cạnh tranh địa chính trị gia tăng như hiện nay./.