EU chính thức thông qua thỏa thuận Brexit
Sau khi các nhà đàm phán Anh và Liên minh châu Âu (EU) đạt được thỏa thuận Brexit và nội các Anh thông qua, ngày 24/11, Thủ tướng Anh Theresa May đã đến Brussels để có các cuộc gặp với các quan chức hàng đầu của EU trước khi Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra.Trong khi đó, sau khi thảo luận tìm kiếm được sự đồng thuận của một số nước thành viên EU như Tây Ban Nha và Lithunia về những vấn đề còn khúc mắc, tại Hội nghị thượng đỉnh diễn ra ngày 25/11, các nhà lãnh đạo của 27 nước thành viên EU đã nhất trí thông qua 2 văn kiện Brexit chính gồm: Một tuyên bố chính trị liên quan đến việc định hình mối quan hệ giữa Anh và EU sau Brexit và một bản thỏa thuận Anh rút khỏi EU dài 585 trang.
Thỏa thuận Anh rút khỏi EU là một văn bản ràng buộc về mặt pháp lý, trong đó đưa ra những điều khoản về việc Anh rời EU, bao gồm vấn đề hóa đơn ly hôn trị giá 39 tỷ bảng, quyền công dân và bản kế hoạch dự phòng liên quan đến biên giới Ireland trong trường hợp các cuộc đàm phán thương mại bế tắc.
Phát biểu với báo chí sau sự kiện này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude lên tiếng bày tỏ: "Thật là một ngày buồn. Nhìn thấy một đất nước như Anh rời khỏi EU không phải là một thời khắc vui vẻ hay chúc mừng, đó là một thời khắc buồn và là một bi kịch", song ông đã kêu gọi Quốc hội Anh thông qua thỏa thuận Brexit và cho rằng "đây là thỏa thuận duy nhất có thể xảy ra".
Còn trưởng nhóm đàm phán Brexit của EU Michel Barnier ngày 25/11 cho biết, Anh và EU vẫn là "những đồng minh, đối tác và bạn bè".
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cũng lên tiếng khen ngợi khả năng đàm phán của Thủ tướng Theresa May và bày tỏ tự tin bà May có thể thành công trong cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Anh trong những tuần tới, vốn là điều kiện bắt buộc để thỏa thuận Brexit có hiệu lực.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Theresa May cũng gửi thư ngỏ đề nghị người dân nước này ủng hộ thỏa thuận dự thảo Brexit với EU. Bà Theresa May nêu rõ: "Vào ngày 29/3 năm sau, Anh sẽ rời khỏi EU. Chúng ta sau đó sẽ bắt đầu một chương mới trong cuộc sống quốc gia của chúng ta. Tôi muốn đó là một thời khắc tái sinh và hòa hợp cho toàn bộ đất nước chúng ta. Đó sẽ là dấu mốc để chúng ta gạt sang một bên những cụm từ 'rời bỏ' và 'ở lại' cho điều tốt đẹp và chúng ta lại cùng ở bên nhau như một dân tộc. Để làm được điều này chúng ta cần tiến tới Brexit ngay bây giờ bằng việc ủng hộ thỏa thuận này".
Phản ứng trước diễn biến nói trên, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt cũng cho biết khả năng Quốc hội Anh thông qua thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Theresa May là một "thách thức," song bác bỏ thỏa thuận này sẽ là "nguy cơ vô cùng to lớn" cho quốc gia.
Còn Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond trả lời phỏng vấn đài BBC cho biết: "Thỏa thuận này là cách Anh rời khỏi EU với ảnh hưởng tiêu cực tối thiểu cho nền kinh tế của chúng ta. Điều duy nhất cản trở nền kinh tế vào thời điểm này chính là sự bấp bênh trong mối quan hệ giữa chúng ta với EU. Nếu chúng ta rời EU mà không đạt thỏa thuận nào, tôi chắc chắn hậu quả cho nền kinh tế sẽ rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tiêu cực đối với thị trường việc làm và sự thịnh vượng trong tương lai."
Trong khi đó, Chủ tịch đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) của Bắc Ireland, bà Arlene Foster, ngày 25/11 tuyên bố sẽ "cân nhắc lại" thỏa thuận chống đỡ cho Chính phủ bảo thủ của Anh nếu thỏa thuận ly hôn Brexit của Thủ tướng Theresa May được Quốc hội nước này thông qua.
Như vậy, vấn đề Brexit hiện giờ chỉ còn trông chờ vào lá phiếu quyết định của Quốc hội Anh vào đầu tháng 12 tới đây!