Thành tựu của đối ngoại là kết quả của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ
Thành tựu của công tác đối ngoại trong những năm vừa qua là kết quả của việc triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ cùng với việc phát huy tối đa sức mạnh nội lực, vai trò, vị thế của đất nước...
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 346, Quân khu I, tỉnh Thái Nguyên - Ảnh: VGP/Hải Minh |
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh vấn đề trên trong buổi tiếp xúc cử tri tại Sư đoàn 346, Quân khu I, tỉnh Thái Nguyên, ngày 26/11.
Công tác đối ngoại trong gần 3 năm qua, đặc biệt là năm 2017, đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá là “đạt được nhiều kết quả quan trọng, trở thành một điểm sáng trong toàn bộ những thành tựu chung của đất nước ta”.
Theo Phó Thủ tướng, ngoại giao đa phương có bước chuyển lớn về chất, đặc biệt trên phương diện “chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung”, thể hiện rõ nét trong quá trình Việt Nam làm chủ nhà APEC năm 2017 và Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2018 (WEF ASEAN 2018).
Sự tham dự của lãnh đạo 21 nền kinh tế cùng sự tham gia đông đảo của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế và trong nước tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh APEC là một trong những minh chứng rõ nét về sức hấp dẫn của Năm APEC tại Việt Nam.
Quan trọng hơn, APEC tái khẳng định vai trò là diễn đàn liên kết kinh tế hàng đầu của khu vực với các mục tiêu của APEC là tự do thương mại, thuận lợi hóa đầu tư và tăng trưởng trong khu vực, qua đó cho thấy vai trò điều phối dẫn dắt của nước chủ nhà Việt Nam, tiếp thêm sức sống mới cho liên kết và hội nhập khu vực, đồng thời làm nổi bật vị thế và uy tín của Việt Nam ở tầm vóc toàn cầu.
APEC còn mang lại những lợi ích cụ thể với 121 thỏa thỏa và hợp đồng được ký kết, trị giá 20 tỷ USD; các chỉ số đều cao gấp 10 lần so với năm 2006 khi Việt Nam lần đầu tiên làm chủ nhà diễn đàn này, trong đó, sau nhiều năm, tất cả lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên đều tham dự.
Năm APEC 2017 đã thông qua 20 văn kiện và gần 10 sáng kiến của Việt Nam được các thành viên ủng hộ đưa vào các văn kiện của APEC.
Trong khi đó, WEF ASEAN 2018 được WEF đánh giá là một trong những diễn đàn về khu vực thành công nhất trong 27 năm qua, với sự tham dự của đông đảo các nhà lãnh đạo và cộng đồng doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã trở thành ứng viên duy nhất của khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, cho thấy sự nhất trí cao, sự coi trọng của các nước đối với vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Việt Nam không những vẫn giữ được đà quan hệ với các đối tác ưu tiên, quan trọng mà còn tạo thêm những bước tiến mới về chất. Trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã thực hiện trên 30 chuyến thăm đến các nước, đồng thời đón hơn 40 đoàn lãnh đạo cấp cao các nước đến thăm Việt Nam.
Đặc biệt, trong thời gian ngắn kỷ lục, Việt Nam đã đón các nhà lãnh đạo của hầu hết các nước lớn, quan trọng đến thăm như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga, Pháp, Ấn Độ, Canada… và lãnh đạo các nước láng giềng, bạn bè truyền thống. Trong đó, lãnh đạo của Trung Quốc và Hoa Kỳ đã thăm Việt Nam trong đầu nhiệm kỳ, hay chưa bao giờ Nhà Vua và Thủ tướng Nhật Bản thăm Việt Nam trong cùng một năm.
Với việc nâng cấp quan hệ với Australia lên tầm đối tác chiến lược, cho đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 16 quốc gia, trong đó 2/3 số đối tác chiến lược được thiết lập sau Đại hội Đảng lần thứ XI và đối tác toàn diện với 11 quốc gia.
Việt Nam đã đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện, góp phần tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển và an ninh của đất nước. Đến nay, Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán 16 FTA song phương - tỉ lệ khá cao so với các nước trong khu vực.
Mới đây, Quốc hội đã thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), khẳng định quyết tâm hội nhập và đổi mới mạnh mẽ của đất nước. Dự kiến, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8% thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi.
Về mặt thể chế, tham gia CPTPP là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật kinh tế, trong đó có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, đồng thời giúp ta có thêm cơ hội hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế tiên tiến, từ đó thúc đẩy cả đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài.
Công tác đối ngoại đã góp phần quan trọng vào việc giữ vững môi trường hòa bình, ngăn ngừa xung đột, bảo vệ đất nước từ xa, bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nhất là an ninh chủ quyền biển đảo.