Khai mạc Diễn đàn Hòa bình Paris
Tiếp theo sự kiện Lễ kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, tổ chức sáng 11/11 tại Khải Hoàn Môn trên đại lộ Champs Elysée (Pháp), chiều cùng ngày, Diễn đàn Hòa bình Paris lần thứ nhất đã khai mạc tại trung tâm văn hóa La Villette, quận 19 thủ đô Paris, với sự tham dự của 60 nguyên thủ và lãnh đạo quốc gia trên thế giới.
Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: france24.com |
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Macron cảnh báo thế giới hiện đang bị suy yếu bởi sự trở lại của nhiều điều đáng buồn, trong đó chủ yếu là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, sự phân biệt chủng tộc, tư tưởng cực đoan và nạn khủng bố… Ông Macron hy vọng Diễn đàn Hòa bình Paris sẽ là "biểu tượng rực rỡ của hòa bình lâu dài giữa các quốc gia", chứ không phải là "hình ảnh khoảnh khắc cuối cùng của sự đoàn kết trước khi thế giới chìm vào mớ hỗn độn mới".
Trước đó, phát biểu tại Lễ kỷ niệm ở Khải Hoàn Môn, ông Macron cũng lên tiếng nhấn mạnh: "Lòng yêu nước đối lập hoàn toàn với chủ nghĩa dân tộc. Chủ nghĩa dân tộc là sự phản bội lại lòng yêu nước". Và "Khi chúng ta nói chỉ quan tâm đến lợi ích của mình trước tiên, chúng ta đã vứt bỏ những nền tảng quý giá của một quốc gia, vứt bỏ điều đã tạo nên và khiến cuộc sống trở nên tuyệt vời hơn: Đó là giá trị tinh thần".
Còn Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres trong phát biểu của mình đã cho rằng, dường như hiện đang xuất hiện một yếu tố địa chính trị "vô hình" nhưng rất đáng lo ngại vì tương tự như yếu tố đã dẫn đến Chiến tranh Thế giới thứ nhất cách đây 100 năm.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định, hợp tác quốc tế là cách duy nhất để ngăn chặn chiến tranh và khủng hoảng toàn cầu. Theo bà, hầu hết những thách thức và mối đe đọa ngày nay đều không thể được giải quyết chỉ bởi riêng một quốc gia nào đó. Tuy nhiên, những thách thức và vấn đề này sẽ được giải quyết chỉ khi các nước cùng hợp tác, hành động cùng nhau. Đó cũng chính là lý do vì sao tất cả các nước trên thế giới nói chung và ở châu Âu nói riêng cần phải nỗ lực để hướng tới một sự hợp tác như vậy.
Thủ tướng Merkel cũng nhấn mạnh sự hợp tác quốc tế dựa trên những giá trị chung được ghi nhận trong các điều lệ và Hiến chương LHQ. Đó là cách duy nhất để vượt qua những nỗi sợ hãi và kinh hoàng của quá khứ cũng như mở ra một tương lai mới tốt đẹp hơn.
Diễn đàn Hòa bình Paris diễn ra trong 3 ngày, gồm 3 không gian kết nối với nhau, để các nguyên thủ và lãnh đạo quốc gia, nghị sĩ và đại biểu dân cử địa phương, tổ chức khu vực và quốc tế, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội, nghiệp đoàn, tôn giáo, quỹ đầu tư, báo chí truyền thông... bày tỏ quan điểm, chia sẻ kinh nghiệm và các giải pháp sáng tạo nhằm góp phần giải quyết các thách thức mang tính toàn cầu, kiến tạo một nền hòa bình và sự phát triển bền vững ở các quốc gia, các khu vực cũng như trên phạm vi toàn thế giới./.