Với 571 phiếu thuận, 53 phiếu chống và 34 phiếu trắng, Nghị viện châu Âu (EP) ngày 24/10 đã thông qua dự luật cấm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trên toàn Liên minh châu Âu (EU) và dự kiến có hiệu lực từ năm 2021.
Theo dự luật nói trên, 10 sản phẩm bằng nhựa như ống hút, tăm bông... sẽ bị cấm sử dụng vào năm 2021 và 90% chai nhựa sẽ được tái chế vào năm 2025. Dự luật cũng đề ra mục tiêu giảm 25% đối với những sản phẩm nhựa chưa có sản phẩm thay thế vào năm 2025.
Ủy viên EU phụ trách môi trường Karmenu Vella cho biết: “Hôm nay chúng ta đang tiến một bước gần hơn tới việc loại bỏ các sản phẩm nhựa sử dụng một lần – vấn đề nan giải nhất ở châu Âu”. Tuy nhiên, dự luật này cần phải được thông qua trong các cuộc đàm phán giữa các thành viên EU, EP và Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới.
Nói về việc EP thông qua được dự luật cấm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) nhấn mạnh, quyết định trên đưa EU trở lại vai trò lãnh đạo toàn cầu trong nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa. Tuy nhiên, quỹ này cho rằng EP cần làm rõ hơn định nghĩa về các loại nhựa dùng một lần, cũng như điều chỉnh việc cho phép các sản phẩm được dán nhãn "có thể tái sử dụng", bởi trên thực tế nhiều sản phẩm không đủ tiêu chuẩn vẫn được dán nhãn này.
Trong khi đó, Hiệp hội các nhà sản xuất đồ nhựa châu Âu (PlasticsEurope) cho rằng, dự luật cấm đồ nhựa dùng một lần vừa được Nghị viện thông qua là “chưa cân xứng” với việc khuyến khích đầu tư cần thiết để phát triển các phương thức tái chế nhựa.
Theo công bố của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) năm 2018: mỗi năm con người thải ra một khối lượng nhựa đủ để trải quanh trái đất bốn lần, với khoảng 500 tỉ túi nhựa được tiêu thụ trên thế giới. Tuy nhiên, phần lớn lượng rác thải nhựa không được chôn trong các bãi chôn lấp.
Theo ước tính, với tốc độ sử dụng nhựa như hiện nay, sẽ có thêm 33 tỉ tấn nhựa được sản xuất vào năm 2050 và một phần lớn trong số đó sẽ nằm trong các đại dương, nơi mà nó sẽ tồn tại trong nhiều thế kỷ. Với đặc tính bền vững trong tự nhiên, rác thải nhựa (chai nhựa, túi nylon, hộp đựng đồ ăn, cốc…) cùng với các chất gây ô nhiễm môi trường khác đã và đang tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội và sức khỏe con người; đã và đang trở thành thách thức lớn đối với môi trường./.