Sẽ có nhiều hoạt động hấp dẫn tại Lễ hội mùa Đông Sa Pa năm 2018
Lễ hội mùa Đông Sa Pa năm 2018 bắt đầu từ 01/11/2018 và kéo dài đến hết ngày 03/01/2019 với những điểm nhấn nổi bật như: Tổ chức kỷ niệm 115 năm Du lịch Sa Pa; Lễ hội tuyết; Tuần Lễ ẩm thực mừng Giáng sinh và Chào năm mới 2019; Chương trình khám phá tuyết Sa Pa; Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Sa Pa,...Lễ hội mùa Đông Sa Pa diễn ra cùng các ngày lễ Giáng sinh, Tết dương lịch không chỉ tạo điều kiện thu hút đông đảo du khách mà còn tạo động lực để du lịch Sa Pa tiếp tục có bước phát triển ấn tượng trong năm 2018, tạo đà cho giai đoạn tiếp theo phát triển nhanh, bền vững hơn.
Du khách thích thú trải nghiệm Ngày hội khám phá tuyết năm 2017
Lễ hội Tuyết sẽ khai mạc vào 20h00’ ngày 22/12/2018 tại Sân Quần, thị trấn Sa Pa với các điểm nhấn là "Tuần lễ ẩm thực mừng Giáng sinh 2018 và Chào năm mới 2019" diễn ra từ ngày 24/12/2018-28/12/2018. Lễ hội ẩm thực được tổ chức ngoài trời giới thiệu và bán những món đặc sản đặc trưng của Sa Pa; các món ăn, đồ uống truyền thống trong Lễ Giáng sinh và tiệc mừng năm mới của các nước trên thế giới. Chương trình "Vui cùng Ông già Noel" sẽ diễn ra tại Khu vực Sân Quần từ 9h00’-21h30’ từ ngày 23-24/12/2018. Chương trình "Khám phá Tuyết Sa Pa" tổ chức từ 8h – 21h30’ các ngày từ 24 - 31/12, do Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch Lào Cai và Công ty Du lịch quốc tế Bình Minh; Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Cáp trep Fansipan Sa Pa phối hợp tổ chức, sẽ phun tuyết nhân tạo, tái hiện khung cảnh tuyết rơi có một không hai ở Việt Nam trên diện tích gần 10.000 m2 với nhiều khung cảnh ấn tượng, điểm check-in đặc sắc, không gian vui chơi hấp dẫn với tuyết tại Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch tỉnh Lào Cai, Sân Quần và Khu vực Ga đi của Cáp treo Fansipan.
Bên cạnh đó, còn có chương trình biểu diễn nghệ thuật như văn nghệ Chào mừng năm mới 2019 diễn ra lúc 20h30’ ngày 31/12/2018 tại Sân Quần – Thị trấn Sa Pa; Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Sa Pa; Trồng hoa cải trên ruộng bậc thang,…
Ngoài ra, Lễ hội còn tổ chức không gian văn hóa, trưng bày các sản phẩm đặc hữu của các dân tộc Sa pa và các huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu), Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) tại khu vực chợ ẩm thực thị trấn Sa Sa. Trưng bày các sản phẩm nông sản, cách nhuộm chàm, thêu hoa trên trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc; trưng bày quà tặng du lịch, giới thiệu trải nghiệm các nghề truyền thống,…
Đây là năm thứ hai Lễ hội mùa Đông Sa Pa được tổ chức và là một trong những sự kiện văn hóa – du lịch mùa đông đặc sắc nhất cả nước, góp phần hình thành thương hiệu "Lễ hội mùa Đông" riêng có của Sa Pa, tỉnh Lào Cai./.