Tiềm năng du lịch Văn Bàn chưa được “đánh thức”
Ở Lào Cai, ngoài những địa danh du lịch nổi tiếng như Sa Pa, Bắc Hà… thì Văn Bàn cũng là huyện có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khiến Văn Bàn chưa khai thác được những lợi thế đó.Phong cảnh thanh bình, nên thơ ở xã Dương Quỳ luôn hấp dẫn du khách. |
Nhiều tiềm năng để phát triển du lịch
Huyện Văn Bàn còn giữ được diện tích lớn rừng nguyên sinh ở các xã Nậm Tha, Liêm Phú, Nậm Xé… Những cánh rừng bạt ngàn cây cổ thụ cùng với hệ sinh thái rừng đa dạng là điểm đến cho những du khách ưa trải nghiệm, leo núi.
Xã Liêm Phú cách trung tâm huyện 15 km về phía Đông Nam. Nơi đây có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, khám phá rừng nguyên sinh. Ông Hoàng Văn Hơn, Chủ tịch UBND xã Liêm Phú cho biết: Liêm Phú đã xây dựng kế hoạch chi tiết khai thác tiềm năng du lịch của địa phương, trong đó sẽ đầu tư nâng cấp tuyến đường lên thác Bay; xây dựng và nâng cấp các dịch vụ dọc tuyến đường lên thác. Ngoài ra, xã cũng hỗ trợ người dân nâng cấp nhà sàn, phát triển nghề làm thổ cẩm, dịch vụ tắm lá thuốc của người Dao đỏ và vệ sinh, cải tạo cảnh quan môi trường…
Không chỉ ở Liêm Phú, nhiều xã tại huyện Văn Bàn vẫn giữ những nét văn hóa truyền thống của người dân bản địa, đặc biệt là dân tộc Tày và Dao đỏ. Đối với người Tày, văn hóa cộng đồng từ bao đời nay vẫn được giữ gìn và phát huy. Tại các xã như Chiềng Ken, Dương Quỳ, Thẳm Dương, Khánh Yên Trung… nét văn hóa đặc trưng là nhà sàn truyền thống vẫn không mai một. Đến bản làng người Tày, du khách dễ dàng nhìn thấy hình ảnh những ngôi nhà sàn nằm san sát, thấp thoáng dưới tán lá cọ phía chân đồi. Hơn nữa, dưới nếp nhà sàn là những nét văn hóa tiêu biểu đang được bảo tồn, như Khắp Nôm, Mo Then, Pí Lè, Mo Tham Thát, Lễ hội xuống đồng, Lễ cúng rừng, Lễ cấp sắc, cầu làng... Ẩm thực phong phú, đa dạng, nhiều món ăn như bánh chưng đen, bánh chuối, mọc cá, nộm rau dớn, cá nướng… được chế biến dưới bàn tay khéo léo của người dân tạo nên những nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực của Văn Bàn.
Nhắc đến Văn Bàn, không thể bỏ qua hành trình du lịch văn hóa tâm linh, nổi tiếng với đền Cô (Tân An), đền Ken (Chiềng Ken), hằng năm thu hút hàng nghìn khách thập phương đến tham quan, chiêm bái. Ông Tạ Minh Khuê, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Văn Bàn cho biết: Trên địa bàn huyện có 8 di sản văn hóa phi vật thể và 4 di tích lịch sử quốc gia. Tiềm năng du lịch của Văn Bàn rất lớn, ngoài cảnh quan tươi đẹp thì văn hóa truyền thống của các dân tộc chính là đặc trưng của mảnh đất này. Tuy nhiên, để khai thác những lợi thế đó, Văn Bàn vẫn còn nhiều việc phải làm.
Tiềm năng cần được “đánh thức”
Ước tính từ đầu năm 2018 đến nay, có khoảng 8.000 lượt khách du lịch đến Văn Bàn, đa phần là khách đến tham quan, chiêm bái tại đền Cô và đền Ken. Những loại hình dịch vụ, du lịch khác vẫn chưa được du khách khám phá, trải nghiệm. Vậy đâu là nguyên nhân?
Giải đáp thắc mắc trên, ông Hà Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn cho biết: Khó khăn lớn nhất và cũng là cản trở đối với phát triển kinh tế - xã hội và du lịch của huyện là hệ thống giao thông xuống cấp. Văn Bàn còn là cửa ngõ nối liền từ đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Than Uyên (Lai Châu). Tuy nhiên, tuyến Tỉnh lộ 151, Quốc lộ 279 đang xuống cấp nghiêm trọng, các phương tiện giao thông trọng tải lớn hoạt động liên tục, thường xuyên xảy ra tắc nghẽn, khiến du khách e ngại khi đến Văn Bàn. Chính điều đó cũng là trở ngại đối với các doanh nghiệp muốn đầu tư, khai thác tiềm năng du lịch của địa phương.
Hiện nay, Văn Bàn đã xây dựng phương án khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, dịch vụ. Theo Đề án 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, cần tiếp tục phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc, cải tạo phong tục, tập quán lạc hậu, không phù hợp, bảo tồn các di sản văn hóa di tích lịch sử để phục vụ phát triển du lịch. Đền Cô, đền Ken sẽ là cơ sở để hình thành tuyến du lịch văn hóa cộng đồng, du lịch tâm linh trên địa bàn huyện. Các câu lạc bộ hát Nôm tại 11 xã, thị trấn tiếp tục được phát huy và hằng năm sẽ tổ chức các hoạt động nhằm giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc để phát triển kinh tế - xã hội và du lịch.
Huyện tiếp tục phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch khảo sát lập hồ sơ khoa học đề nghị công nhận các di sản văn hóa phi vật thể, di tích lịch sử tại địa phương. Đầu tư hỗ trợ, huy động xã hội hóa xây dựng làng văn hóa nhà sàn, làng văn hóa cộng đồng dân tộc Dao tại xã Liêm Phú và xã Nậm Tha; làng văn hóa dân tộc Tày ở Liêm Phú gắn với du lịch sinh thái, thắng cảnh thác Bay, kết nối du lịch tâm linh đền Ken - đền Cô - đền Bảo Hà. Bên cạnh đó, cải tạo tập quán chăn nuôi đại gia súc, giải quyết dứt điểm việc thả rông gia súc gắn với bảo vệ môi trường…
Ông Hà Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn cho biết thêm: Việc “đánh thức” tiềm năng du lịch của địa phương vẫn còn nhiều thách thức. Tuy nhiên, huyện sẽ cùng người dân nỗ lực quảng bá để du khách biết đến mảnh đất và con người nơi đây.