Gắn kết Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngày càng lớn mạnh

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, ngày nay mối quan hệ giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương đang ngày càng lớn mạnh.
.
 
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại phiên khai mạc Hội thảo. Ảnh: VGP/Hải Minh

Ngày 27/8, tại Hà Nội, phiên khai mạc Hội thảo Ấn Độ Dương lần thứ ba đã diễn ra với chủ đề “Hướng tới xây dựng cấu trúc an ninh khu vực” do Quỹ Ấn Độ (India Foundation) phối hợp với Học viện Ngoại giao của Việt Nam tổ chức.

Hội thảo diễn ra trong hai ngày 27-28/8 với sự tham dự của gần 300 đại biểu, bao gồm các đoàn cấp Thủ tướng, Bộ trưởng và các quan chức cấp cao từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ; 60 đại biểu từ gần 30 cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam; gần 100 quan chức, học giả Việt Nam và 70 phóng viên thuộc nhiều hãng tin trong và ngoài nước.

Hội thảo bao gồm các phiên trao đổi giữa cấp Bộ trưởng, quan chức cấp cao các nước và thảo luận kênh học giả. Hội thảo hướng tới việc duy trì hòa bình, ổn định, phát triển cũng như tính kết nối của khu vực Ấn Độ Dương - châu Á-Thái Bình Dương thông qua thảo luận các vấn đề kinh tế, thương mại, an ninh trong cấu trúc khu vực đang định hình từ đó đề xuất các nội dung hợp tác giữa các nước liên quan về xây dựng lòng tin, tôn trọng các chuẩn mực và luật pháp quốc tế, giải quyết hòa bình các tranh chấp, quản trị biển và xử lý các thách thức an ninh phi truyền thống trên biển.

Phát biểu tại Phiên khai mạc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Y tế và Dân số Nepal Upendra Yadav; Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj và Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan đều chia sẻ ý kiến về tầm quan trọng của việc xây dựng một cấu trúc khu vực mang tính bao trùm, tôn trọng luật pháp quốc tế, với vai trò trung tâm của ASEAN, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, tạo điều kiện xây dựng lòng tin và thúc đẩy các bên cùng có lợi.

Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ khẳng định kết nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương nói chung, Ấn Độ với ASEAN và Việt Nam nói riêng không chỉ là kết nối trên biển mà còn là sự chia sẻ về tầm nhìn, mong muốn về một cơ chế khu vực tạo điều kiện giải quyết các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, hướng tới việc duy trì và thúc đẩy hoà bình, hợp tác, phát triển cho các quốc gia. Theo hướng đó, Hà Nội là một địa điểm phù hợp cho việc tổ chức Hội thảo Ấn Độ Dương lần thứ ba.

Chia sẻ ý kiến này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương: “Hai đại dương được gắn kết không chỉ về mặt địa lý, mà còn qua sự tương tác thường xuyên với nhau trên nhiều lĩnh vực. Ngày nay, mối quan hệ giữa hai đại dương này đang ngày càng lớn mạnh”.

Phó Thủ tướng khẳng định trong bối cảnh khu vực đang phải đối mặt với nhiều thách thức, mong muốn về một khu vực hoà bình, ổn định và thịnh vượng đang ngày càng trở nên mạnh mẽ.

Tiếp nối ý kiến này, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Y tế và Dân số Nepal cho rằng dù hội tụ những nền kinh tế phát triển nhanh bậc nhất, nhưng đây lại là một trong những khu vực phức tạp nhất thế giới với nhiều thách thức, bao gồm tội phạm xuyên quốc gia, thách thức về an ninh, an toàn hàng hải, phổ biến vũ khí hạt nhân, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường…

Ngoại trưởng Singapore cho rằng khu vực vẫn còn nhiều tiềm năng có thể khai thác, trong đó thương mại trên biển vẫn là một ưu thế vượt trội đối với các quốc gia trong khu vực. Ngoài ra, Ấn Độ Dương cũng có vị trí quan trọng trên tuyến đường hàng hải quốc tế.

Ảnh: VGP/Hải Minh

Kết thúc phiên khai mạc, Thủ tướng Sri Lanka nhấn mạnh khu vực Ấn Độ Dương là định mệnh của thế kỷ 21, đồng thời, đây chính là thời điểm quan trọng để khu vực hướng đến biển và là cơ hội để châu Á thúc đẩy mô hình của mình; cho rằng trật tự hàng hải khu vực cần mang tính bao trùm với nền tảng là chủ nghĩa đa phương cùng với sự tham gia của tất cả các nước trong khu vực.

Trước phiên khai mạc đã diễn ra ba phiên thảo luận khoa học với sự tham gia của nhiều chuyên gia và học giả uy tín. Tại phiên về cấu trúc an ninh khu vực, các đại biểu chia sẻ nhiều ý tưởng đa dạng song đều thống nhất rằng luật pháp quốc tế, tính mở và bao trùm là nền tảng cho việc hợp tác giữa các quốc gia và xây dựng một cấu trúc an ninh khu vực bền vững, trong đó ASEAN đóng vai trò trung tâm. Tại phiên về cấu trúc quản trị, nhiều ý kiến cho rằng khu vực đang đối mặt với hàng loạt thách thức lẫn cơ hội đến từ các thay đổi đáng kể trên mọi lĩnh vực, trong đó nổi bật là cạnh tranh Mỹ-Trung đang ngày một rõ rệt.

Đồng thời, nhiều đại biểu đánh giá việc xây dựng một cấu trúc quản trị tại khu vực Ấn Độ Dương - châu Á-Thái Bình Dương là tương đối khó khăn nhưng sẽ mang lại nhiều cơ hội và thuận lợi cho phát triển bền vững, ổn định và thịnh vượng tại khu vực. Tại phiên về thương mại và ổn định khu vực, các đại biểu nhấn mạnh khu vực Ấn Độ Dương – châu Á-Thái Bình Dương có vai trò quan trọng về mặt kinh tế, đóng góp tới 68% tổng thương mại toàn cầu.

Để duy trì phát triển thương mại và bền vững tại khu vực, các đại biểu đề xuất các quốc gia cần duy trì ổn định an ninh để phát triển kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế bền vững và tăng cường hợp tác khu vực.

Việc đối tác Ấn Độ chọn mời Việt Nam tham gia tổ chức hội thảo không chỉ thể hiện ưu tiên của Ấn Độ trong quan hệ với Việt Nam mà còn phản ánh năng lực kết nối của Việt Nam trong khu vực Ấn Độ Dương – châu Á-Thái Bình Dương. Đối với Việt Nam, việc tổ chức hội thảo lần này sẽ góp phần cụ thể hóa quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ; tăng cường hình ảnh Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, có trách nhiệm trong việc xây dựng cấu trúc khu vực và có lợi cho hoà bình, ổn định và hợp tác ở khu vực.

Ngày mai (28/8), Hội thảo tiếp tục với các phiên thảo luận cấp Bộ trưởng và quan chức cấp cao./.

Theo Hải Minh/baochinhphu.vn

Tin Liên Quan

Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết yêu cầu Mỹ chấm dứt cấm vận Cuba

Tại kỳ họp lần này của Đại hội đồng, hơn 30 tham luận đã bày tỏ phản đối cuộc chiến kinh tế của Mỹ chống lại Cuba, đồng thời bác bỏ việc đưa Cuba vào danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố.

Tổng thống Venezuela chuyển thông điệp cảm ơn đến lãnh đạo Việt Nam

Tổng thống Maduro cho biết nhận lời mời của Tổng Bí thư Tô Lâm cũng như đáp lại tình cảm của các lãnh đạo chủ chốt Việt Nam, ông sẽ sớm thăm lại Việt Nam nhằm tiếp tục tăng cường quan hệ.

Tỉnh Miyagi của Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả bão lũ

Ngày 31/10, Chủ tịch Hiệp hội Giao lưu Nhật-Việt tỉnh Miyagi, ông Atsushi Kamada đến Ðại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản trao quà hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả của bão số 3 (tên quốc tế là Yagi), trị giá 1 triệu yen (hơn 170 triệu đồng).

Tuyên bố chung Việt Nam-UAE về nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện

Nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), lãnh đạo cấp cao Việt Nam và UAE nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Toàn diện vào ngày 28/10/2024. Báo Nhân Dân trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ...

Di sản tư liệu thế giới - nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy hiểu biết và hợp tác quốc tế

Từ ngày 28-29/10/2024, tại Trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ở Paris (Cộng hòa Pháp) đã diễn ra Hội nghị quốc tế về Chương trình Ký ức thế giới (MOW) và Diễn đàn chính sách toàn cầu lần thứ 4 về Di sản tư liệu.

Hợp tác quốc tế về chuyển đổi xanh

Kết thúc các cuộc thảo luận ở thủ đô Washington (Mỹ), các bộ trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) một lần nữa khẳng định quyết tâm đẩy mạnh quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch.