Theo báo cáo thường niên do Cơ quan quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) công bố, một loạt các chỉ số đều cho thấy hiện tượng nóng lên toàn cầu tăng tốc là kết quả của quá trình đốt cháy các nhiên liệu hóa thạch làm tăng nồng độ khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong bầu khí quyển vào năm 2017, năm mà Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận quốc tế Paris về khí hậu.
Báo cáo dày 300 trang, do hơn 450 nhà khoa học từ 60 quốc gia trên thế giới biên soạn, đã sử dụng từ "không bình thường" hơn một chục lần để mô tả các cơn bão, hạn hán, nhiệt độ cao hoặc hiện tượng tan kỷ lục băng ở Bắc Cực vào năm 2017.
Theo báo cáo mới nhất vừa công bố, trong năm ngoái, tỷ lệ nồng độ của 3 loại khí nhà kính nguy hiểm nhất được thải vào khí quyển là: carbon dioxide, mêtan và oxit nitơ đã tăng cao lên mức kỷ lục mới. Nồng độ carbon dioxide hàng năm trên bề mặt trái đất đã lên tới 405 phần triệu (ppm), "ở mức cao nhất kể từ khi tiến hành các biện pháp đo lường khí quyển hiện đại". "Tỷ lệ tăng toàn cầu khí CO2 đã cao gần gấp 4 lần kể từ đầu những năm 1960" – tài liệu cho biết thêm.
Không những thế, mặc dù năm 2016 đã ghi nhận kỷ lục là năm nóng nhất trong thời hiện đại song 2017 vẫn là năm có nền nhiệt cao hơn nhiều so với mức trung bình trong phần lớn khu vực trên hành tinh. Các dữ liệu của báo cáo cho thấy năm 2017 là năm nóng thứ hai hoặc thứ ba kể từ giữa thế kỷ XIX trở lại đây và là "năm không có El Nino nóng nhất" kể từ khi dữ liệu được thu thập một cách hệ thống.
Năm ngoái, nhiệt độ kỷ lục được ghi nhận ở Argentina, Uruguay, Tây Ban Nha và Bulgaria. Đối với Mexico, “nhiệt độ đã phá kỷ lục trong năm thứ tư liên tiếp".
Ngoài ra, cũng theo báo cáo, trong năm 2017, mực nước biển cũng được công bố lên mức kỷ lục năm thứ sáu liên tiếp. Mực nước biển trung bình bây giờ cao hơn 7,7cm so với năm 1993. "Tôi đang so sánh đại dương với một con tàu chở hàng" – ông Gregory Johnson, nhà hải dương học làm việc tại NOAA, cho biết. "Thậm chí khi chúng ta đóng băng tốc độ phát thải khí nhà kính ở mức hiện tại thì các đại dương vẫn tiếp tục ấm lên và mực nước biển tiếp tục tăng trong nhiều thế kỷ thậm chí là thiên niên kỷ".
Tại Bắc Cực, nhiệt độ mặt đất cao hơn 1,6 độ C so với mức trung bình trong giai đoạn 1981 – 2010, và báo cáo chỉ ra rằng "Bắc Cực chưa bao giờ trải qua nhiệt độ không khí và bề mặt nước cao bất thường như vậy trong vòng 2.000 năm qua". Trong tháng 3, mức băng tối đa xuống thấp nhất trong 37 năm đo bằng vệ tinh. Các sông băng trên hành tinh cũng đã bị thu hẹp trong năm thứ 38 liên tiếp.
Thêm vào đó, lượng mưa trên đất liền vào năm 2017 cũng cao hơn mức trung bình. Nhiệt độ cao hơn trong đại dương đã dẫn đến độ ẩm cao hơn, đặc biệt là trong 3 năm qua, gây ra lượng mưa nhiều hơn, trong khi các phần khác của hành tinh đã trải qua thời gian hạn hán kéo dài.
Sự nóng lên của các đại dương cũng gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng đối với san hô khiến san hô bị tẩy trắng, làm mất đi cá và các sinh vật biển khác. "Giai đoạn tẩy trắng san hô gần đây kéo dài liếp tiếp 3 năm, từ tháng 6/2014 đến tháng 5/2017, và là giai đoạn dài nhất và lớn hơn bao giờ hết" – báo cáo do NOAA công bố nhấn mạnh./.