ASEAN, Ấn Độ nhất trí tăng cường hợp tác trên 3 trụ cột
Sáng 3/8, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ấn Độ Vijay Kumar Singh đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Ấn Độ trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51 tại Singapore.Các đại biểu dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Ấn Độ. Ảnh: BNG cung cấp |
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, trong vai trò điều phối quan hệ ASEAN-Ấn Độ, thay mặt các nước ASEAN, cùng Quốc vụ khanh Vijay Kumar Singh điểm lại tình hình hợp tác giữa hai bên kể từ Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 25 năm quan hệ đối tác ASEAN-Ấn Độ (New Delhi tháng 1/2018).
Các nước ASEAN hoan nghênh Ấn Độ đẩy mạnh chính sách Hướng Đông tăng cường quan hệ với ASEAN và khu vực, đánh giá cao vai trò và đóng góp của Ấn Độ đối với hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực, cám ơn Ấn Độ tích cực ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và tích cực tham gia các diễn đàn hợp tác khu vực do ASEAN chủ trì.
Ấn Độ khẳng định ASEAN là một trong những trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ, là điểm nối quan trọng giữa hai khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương; cam kết tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác chặt chẽ với ASEAN, tích cực hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng, tăng cường kết nối khu vực.
Về phương hướng thúc đẩy quan hệ ASEAN-Ấn Độ thời gian tới, các Bộ trưởng ASEAN và Ấn Độ nhất trí sẽ tăng cường hợp tác toàn diện trên cả 3 trụ cột, tập trung vào các lĩnh vực hợp tác biển (đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải, bảo tồn môi trường biển, phát triển kinh tế biển v.v.); thuận lợi hóa thương mại, đầu tư, phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều 200 tỷ USD vào 2025; thúc đẩy kết nối giữa hai khu vực cả về hạ tầng và con người; mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực sáng tạo như công nghệ thông tin, kinh tế số, phát triển đô thị thông minh; gia tăng hợp tác giáo dục, trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân để tăng cường sự gắn kết về lịch sử và văn hóa đã có từ nhiều thế kỷ, thống nhất 2019 là Năm Du lịch ASEAN-Ấn Độ.
Trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế, ASEAN và Ấn Độ chia sẻ các quan ngại về diễn biến của tình hình Biển Đông với các hoạt động quân sự hóa làm xói mòn lòng tin và gây nguy hại nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định ở khu vực.
Các Bộ trưởng khẳng định tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở các vùng biển khu vực, bao gồm Biển Đông; nhấn mạnh mọi tranh chấp cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982; trông đợi việc thực hiện đầy đủ Tuyên bố DOC và khuyến khích các nỗ lực xây dựng Bộ quy tắc COC hiệu quả và ràng buộc…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Ấn Độ và ASEAN là những đối tác có sự tin cậy và gắn bó lâu đời; hoan nghênh Ấn Độ tham gia đóng góp tích cực, xây dựng vào các tiến trình hợp tác khu vực, thông qua các diễn đàn do ASEAN chủ trì.
Phó Thủ tướng đánh giá cao sự phối hợp tích cực của Ấn Độ cùng với Việt Nam đẩy mạnh hợp tác ASEAN-Ấn Độ trong 3 năm qua và nhấn mạnh Việt Nam tiếp tục nỗ lực cùng Thái Lan, nước điều phối tiếp theo và các nước ASEAN góp phần mở rộng và nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ trong thời gian tới.
Các Bộ trưởng dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong- Hàn Quốc lần thứ 8 |
*Cùng ngày, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong- Hàn Quốc lần thứ 8 đã được tổ chức tại Singapore.
Về tình hình hợp tác thời gian qua, các Bộ trưởng đánh giá tích cực tiến trình triển khai Kế hoạch hành động 2017-2020 và các dự án trong 6 lĩnh vực ưu tiên, trong đó có dự án về phát triển kỹ năng và tăng cường công nghiệp hóa và dự án thương mại điện tử trong nông nghiệp ở Việt Nam.
Các nước Mekong đánh giá cao sự hỗ trợ của Hàn Quốc cho khu vực Mekong, nổi bật các khoản viện trợ chiếm 74% tổng viện trợ ODA của Hàn Quốc cho ASEAN giai đoạn 1987-2017 và đóng góp 4,3 triệu USD cho Quỹ hợp tác Mekong- Hàn Quốc (MKCF) giai đoạn 2013-2017…
Về định hướng thời gian tới, Hội nghị nhất trí tiếp tục hợp tác tăng cường kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển và nâng cao năng lực phát triển bền vững. Hàn Quốc nhấn mạnh triển khai Chính sách hướng Nam mới và quyết tâm tăng cường hợp tác với khu vực Mekong, tăng ODA cho các nước ASEAN và nguồn tài chính cho Quỹ MKCF.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá hợp tác Mekong-Hàn Quốc tiếp tục phát triển với nhiều dự án và hoạt động hợp tác về trồng rừng, quản lý nguồn nước, nông nghiệp được triển khai; đánh giá cao sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của chính phủ Hàn Quốc.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung hợp tác Mekong-Hàn Quốc thời gian tới, bao gồm: Chú trọng hợp tác bảo vệ môi trường, phòng ngừa và xử lý hiệu quả, kịp thời những thảm họa xảy ra trên sông Mekong, quản lý bền vững nguồn nước sông Mekong và mở rộng hợp tác với Ủy hội sông Mekong. Hàn Quốc có thể chia sẻ kinh nghiệm phát triển xanh của mình để thúc đẩy phát triển bền vững tại Tiểu vùng Mekong; chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn và tăng cường hỗ trợ từ Hàn Quốc trong việc nâng cấp hệ thống giáo dục, xây dựng thế hệ “lao động trí thức” trước các tác động của cuộc cách mạng 4.0; đẩy mạnh hợp tác công nghệ, nhất là hợp tác về công nghệ nông nghiệp hiện đại; tăng cường kết nối khu vực qua các hành lang giao thông quốc tế và hệ thống logistics hiệu quả, bao gồm hợp tác phát triển hành lang kinh tế Đông-Tây, Hành lang kinh tế phía Nam và xây dựng tuyến đường sắt từ Vientiane (Lào) tới cảng Vũng Áng, Việt Nam./.