Theo báo cáo với nhan đề “Việc làm và các vấn đề xã hội trên thế giới 2018: Một nền kinh tế xanh và tạo việc làm”, hành động nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu không vượt quá 2 độ C sẽ tạo ra đủ việc làm để bù đắp phần lớn 6 triệu việc làm bị loại bỏ ở nơi khác. Công việc mới sẽ được tạo ra thông qua việc áp dụng những thực hành bền vững trong ngành năng lượng, trong đó có thay đổi kết hợp năng lượng, thúc đẩy sử dụng xe điện và nâng cao hiệu quả năng lượng của các tòa nhà.
Các dịch vụ hệ sinh thái, bao gồm lọc không khí và nước, đổi mới và làm màu mỡ đất, kiểm soát dịch hại, cũng như thụ phấn và bảo vệ khỏi những điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đều góp phần bảo tồn nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp và du lịch – các lĩnh vực sử dụng 1,2 tỷ lao động.
Tuy nhiên, sự gia tăng nhiệt độ dự kiến sẽ gây ra căng thẳng nhiệt, đặc biệt là trong nông nghiệp, một hiện tượng phổ biến. Báo cáo của ILO tính toán rằng nó sẽ gây ra thiệt hại cho thế giới 2% số giờ làm việc vào năm 2030 do bệnh tật.
Nền kinh tế xanh để loại bỏ đói nghèo
Theo Phó Tổng giám đốc ILO Deborah Greenfield, các phát hiện của báo cáo nhấn mạnh rằng việc làm phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng môi trường và các dịch vụ mà nó cung cấp. Nền kinh tế xanh có thể giúp hàng triệu người vượt qua đói nghèo và cung cấp cuộc sống tốt hơn cho thế hệ hiện tại và thế hệ kế tiếp.
Ở cấp độ khu vực, sẽ có nhiều việc làm được tạo ra ở châu Mỹ, châu Á và Thái Bình Dương và châu Âu, lần lượt tương ứng là 3, 14 và 2 triệu việc làm. Đây là kết quả nhờ thực hiện các biện pháp về sản xuất và tiêu thụ năng lượng. Song cũng sẽ có thể xảy ra tình trạng mất việc làm ở Trung Đông (-0,48%) và châu Phi (-0,04%) nếu xu hướng hiện tại tiếp tục kéo dài.
Trong bối cảnh đó, báo cáo kêu gọi các quốc gia thực hiện những biện pháp cấp bách để đào tạo người lao động có các kỹ năng cần thiết cho sự chuyển đổi sinh thái của nền kinh tế và cung cấp bảo trợ xã hội để tạo điều kiện cho họ chuyển sang công việc mới, góp phần giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của các hộ gia đình và cộng đồng.
"Những thay đổi về chính sách ở các vùng này có thể bù đắp những tổn thất công việc dự đoán hoặc những tác động tiêu cực của chúng. Các nước có thu nhập thấp và một số nước có thu nhập trung bình vẫn cần hỗ trợ để phát triển việc thu thập dữ liệu, cũng như để thông qua và tài trợ các chiến lược nhằm chuyển đổi sang nền kinh tế bền vững với môi trường và xã hội” – bà Catherine Saget, tác giả chính của báo cáo nhấn mạnh.
Nhu cầu cấp thiết cần có chính sách đầy đủ
Trong khi các biện pháp được thực hiện để chống lại biến đổi khí hậu đôi khi có thể dẫn đến tổn thất việc làm ngắn hạn thì tác động tiêu cực của chúng có thể được giảm thông qua các chính sách phù hợp.
Báo cáo kêu gọi sự phối hợp giữa chính sách môi trường và chính sách bảo trợ xã hội, từ đó sẽ hỗ trợ cả thu nhập của người lao động và quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.
Các nước cần thực hiện những biện pháp cấp bách để dự đoán nhu cầu về kỹ năng liên quan đến việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và đề xuất các chương trình đào tạo mới. Việc chuyển sang các hệ thống canh tác nông nghiệp bền vững hơn sẽ tạo việc làm trong các trang trại hữu cơ quy mô vừa và lớn, và cho phép các hộ gia đình nhỏ đa dạng hóa nguồn thu nhập của họ, đặc biệt nếu nông dân có kỹ năng phù hợp.
Báo cáo cũng cho thấy rằng các luật, quy định và chính sách môi trường có lồng ghép những vấn đề liên quan đến lao động cung cấp một công cụ mạnh mẽ để thúc đẩy chương trình nghị sự làm việc nghiêm túc và các mục tiêu môi trường của ILO./.