Việt Nam chú trọng hoàn thiện thể chế pháp luật để giải quyết bất bình đẳng
Từ ngày 14-16/5, tại Bangkok (Thái Lan), Khóa 74 Ủy ban Kinh tế-Xã hội châu Á-Thái Bình Dương (ESCAP) đã họp cấp bộ trưởng với chủ đề “Vấn đề bất bình đẳng trong việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững”, dưới sự chủ trì của Tổng thống quần đảo Marshall (Chủ tịch Khoá 74 ESCAP).
Tham dự khóa họp có hơn 500 đại biểu đến từ các quốc gia thành viên, thành viên liên kết, các tổ chức LHQ, phi chính phủ, quan sát viên. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc dẫn đầu.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Khóa 72 Đại hội đồng LHQ, ông Miroslav Lajcak, cho rằng khu vực châu Á-Thái Bình Dương chiếm 40% sản lượng kinh tế toàn cầu, đi đầu trong giảm nghèo, song bất bình đẳng giữa các quốc gia và trong từng các quốc gia vẫn tiếp tục gia tăng. Bất bình đẳng làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo, căng thẳng trong xã hội, ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế và là căn nguyên của xung đột. Vì vậy, giải quyết bất bình đẳng là điều rất cấp thiết.
Còn theo Phó Tổng thư ký LHQ, Thư ký điều hành ESCAP, bà Shamshad Akhtar, việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 còn yếu và chậm. Để đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) đòi hỏi sự phối hợp và các biện pháp đồng bộ trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, tài chính, ngân hàng, tăng cường chi tiêu cho giáo dục, môi trường, công nghệ thông tin…
Chủ tịch Khoá 74 ESCAP, Tổng thống quần đảo Marshall cho biết, các nhà lãnh đạo các nước đảo nhỏ đã đưa ra nhiều cam kết cải thiện tình hình bất bình đẳng ở các quốc đảo này.
Phát biểu tại khoá họp, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc nhấn mạnh, để giải quyết vấn đề bất bình đẳng, các nước cần xây dựng, bảo đảm môi trường hòa bình ổn định trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đồng thời, cần có quyết tâm chính trị trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách, đưa quan điểm phát triển bền vững trở thành định hướng thường xuyên, lâu dài, lồng ghép các SDGs vào mọi chiến lược, chương trình quốc gia, trong đó con người luôn được đặt ở vị trí trung tâm.
Các quốc gia cũng cần chú trọng tăng đầu tư vào nguồn lực con người, tăng đầu tư công vào những khu vực kém phát triển, đồng thời nâng cao chất lượng quản lý đầu tư công để các kết quả đầu tư đến với người dân, đặc biệt dân nghèo.
Điều không kém phần quan trọng là tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển bền vững, trong đó LHQ, các tổ chức quốc tế đóng vai trò thúc đẩy và điều phối; các nước phát triển đóng vai trò tiên phong hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ, tạo thuận lợi trong thương mại, tiếp cận nguồn vốn... để thực hiện thành công các SDGs.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc khẳng định, Việt Nam không ngừng nỗ lực thực hiện cải cách hành chính toàn diện, hiệu quả, chú trọng hoàn thiện thể chế pháp luật, tạo môi trường thuận lợi cho mọi tổ chức cá nhân. Xây dựng kế hoạch quốc gia thực hiện SDGs, Chương trình quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các nhóm dân cư, giữa đô thị và nông thôn, để nhóm dân nghèo nhất được tiếp cận tín dụng ưu đãi, hưởng chính sách an sinh xã hội.
*Cùng ngày, phát biểu liên quan chủ đề “Chủ nghĩa đa phương ở châu Á-Thái Bình Dương thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội bao trùm ở khu vực và đóng góp vào quản trị kinh tế toàn cầu”, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nhấn mạnh, các vấn đề toàn cầu đang tác động tiêu cực, sâu rộng tới nhiều quốc gia, không một quốc gia đơn lẻ có thể giải quyết mà đòi hỏi cách tiếp cận đa phương.
Để xây dựng một khu vực châu Á-Thái Bình Dương hoà bình, ổn định và thịnh vượng, chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế, hoà bình, hợp tác và phát triển là những nhân tố cốt yếu và cần thiết. Khu vực cần đi đầu thúc đẩy chủ nghĩa đa phương dựa trên luật lệ, ủng hộ quản trị kinh tế toàn cầu phát triển công bằng, thương mại đa phương mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ nhằm đáp ứng tốt hơn với nhu cầu phát triển của các nước đang phát triển.
Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam khẳng định, việc thông qua Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong đó Việt Nam là thành viên, là một nỗ lực đáng kể trong việc thúc đẩy thương mại đa phương dựa trên nguyên tắc tự do, mở, công bằng, minh bạch và toàn diện trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Việt Nam cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên APEC và các nước trong khu vực trong thực hiện các chương trình tăng cường hội nhập kinh tế khu vực, thúc đẩy kinh tế, tài chính và xã hội, phát triển nguồn nhân lực trong thời đại kỹ thuật số…
*Bên lề Khoá 74 ESCAP, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cũng đã có các cuộc tiếp xúc với Trưởng đoàn các nước Afganistan, Armenia, Fiji, Nauru, Papua New Guinea và Vanuatu để thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế thương mại và tranh thủ các nước này ủng hộ Việt Nam ứng cử làm Thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021.