Hành trình khám phá thiên nhiên

Thiên nhiên đa dạng còn biết bao điều mới lạ, hấp dẫn đang chờ con người khám phá. Những loài vật mới chưa được đặt tên, những loài vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng… rất cần sự vào cuộc của các nhà khoa học để phát hiện, bảo tồn.
Hùng vĩ Hoàng Liên.

Trong chuyến công tác tại Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên (Vườn quốc gia Hoàng Liên), tôi có cơ hội được gặp những người nghiên cứu sinh vật mới. Họ luôn say mê và đầy nhiệt huyết, dẫu biết để phát hiện ra một loài vật là cả chặng đường tìm kiếm khó khăn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Khi một loài vật mới được đặt tên, các nhà nghiên cứu phải trải qua nhiều công đoạn, thậm chí mất đến vài năm, cần đến sự giúp đỡ của cộng đồng khoa học quốc tế, nhưng hành trình để lại nhiều cảm xúc nhất cho họ vẫn là việc khám phá thiên nhiên đa dạng, bước đầu tiên trong hành trình tìm ra loài mới.

Nguyễn Thành Chung, cán bộ của Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên, năm nay mới 27 tuổi nhưng đã có hơn 30 chuyến khảo sát, có những chuyến kéo dài cả một tuần, ăn ngủ và làm việc ở những ngọn núi có độ cao trên 2.000 m. Chung say sưa kể cho chúng tôi về chuyến đi gần đây nhất. Đó là chuyến khảo sát núi Pu Ta Leng, nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn, thuộc xã Tả Lèng, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Những người trong chuyến đi đều có nhiều kinh nghiệm, nhưng hành trình 4 ngày 3 đêm thực sự là thử thách gian nan, đáng nhớ và nhiều ý nghĩa.

Hôm đó, Chung đi cùng Benjamin Tappley (Ben) Vương quốc Anh, cán bộ đến từ Sở thú London, Christopher (Chris) và anh Nguyễn Thành Luân, cán bộ của Chương trình bảo tồn rùa châu Á. Với rất nhiều đồ dùng, các biểu mẫu cần mang theo, nên đoàn phải thuê 6 porter dẫn đường và mang vác đồ. Cả đoàn xuất phát lúc 8 giờ sáng bằng xe máy, nhưng chỉ đi xe được hơn 1 tiếng, qua đập thủy điện, sau đó gửi xe ở nhà dân, bắt đầu “cuốc bộ” leo núi. Đoàn đi theo những con dốc đầy đá lớn, núi đồi hoang sơ, có những đoạn dường như chưa từng có dấu chân người. Đến 2 giờ chiều thì địa hình bằng hơn, gặp dòng suối, địa điểm đẹp, mọi người nghỉ chân ăn trưa, máy GPS đo được ở độ cao 2.100 m.

Sau bữa trưa, mọi người dựng lều, đo lượng mưa, độ ẩm tại vị trí nghỉ chân. Lúc này, khi mệt nhọc vơi đi, đoàn mới có cơ hội ngắm nhìn cảnh vật, những loài hoa dại mọc ven suối, nét hoang sơ có sức cuốn hút lạ kỳ. Đêm rừng như xuống nhanh hơn, hơn 4 giờ chiều, bóng tối đã bao phủ cả khu rừng, sương mù dày hơn. Lúc này, những loài vật sống trong rừng mới đua nhau phát tiếng kêu, tạo nên bản nhạc đầy sôi động. Cả đoàn bắt đầu hành trình soi đêm, đây cũng là công việc chính trong chuyến khám phá. Những con vật nhỏ xíu nấp dưới tán lá rừng, những con nòng nọc phải nhìn thật kỹ mới thấy loi nhoi trong vũng nước nhỏ… Để thấy được chúng, các nhà nghiên cứu phải có đôi mắt quan sát vô cùng tinh tường. Phát hiện ra một loài lạ mắt sẽ lấy mẫu đem về nghiên cứu, xét nghiệm. 11 giờ đêm, sương rơi trên núi dày đặc, nhiệt độ xuống thấp, cả đoàn quay lại lán, kết thúc một ngày làm việc.

Ngày thứ hai, đoàn tiếp tục leo núi. Đến độ cao 2.300 m, dù mới thêm khoảng 200 m, nhưng đường rừng dốc dựng đứng, cả đoàn thấm mệt, nhiệt độ trên núi xuống thấp, nhưng ai nấy mồ hôi đẫm lưng áo. Lên đến khoảng 2.800 m thì Chris đuối sức. Chung nhớ lại: Chris thở không nổi, mặt tái mét, liên tục ôm ngực và đi tụt lại phía sau, rồi anh chỉ thốt lên một câu: “Ôi! không đi nữa! Tôi muốn chết đi quá!”.

Đoàn khảo sát trên núi Pu Ta Leng ở độ cao 2.800 m.

Không thể bỏ lại người bạn đồng hành, cả đoàn quyết định dựng lán tại đây và không leo tiếp. Đêm đó, Chris sốt cao và phải nghỉ việc tìm kiếm. Những người khác trong đoàn tiếp tục đi soi. Nửa đêm, nhiệt độ lạnh đột ngột, cả đoàn ngủ co ro trong lán, bên ngoài mưa xối xả. Sớm hôm sau, trời đã tạnh mưa, nhưng Chris vẫn còn rất mệt. Cả đoàn không leo tiếp mà quay xuống núi. Chris đi rất chậm, có những lúc anh im lặng không nói gì, trượt nhẹ từng đoạn xuống núi. Thấy Chris quá yếu, anh Nguyễn Thành Luân và Ben buộc phải căng dây để Chris bám theo dây trượt xuống, hai người dùng chân đỡ anh từ phía dưới, cứ như vậy đi thật chậm để xuống núi, vì cũng chẳng còn ai đủ sức cõng Chris. Với những chuyến đi khám phá như vậy, tinh thần đồng đội, sự đoàn kết là sợi dây để cả đoàn đạt được kết quả tốt và trở về an toàn.

Xuống đến vùng 2.300 m, cả đoàn lại căng bạt ngủ và xử lý mẫu. Lúc này, trời đã bớt mù vì nắng lên. Nghỉ chân tại đây, Chris khỏe hơn, anh đã ăn được cháo loãng và ngũ cốc. Đến tối, cả đoàn tiếp tục tìm kiếm và hôm sau trở về nhà. Những chuyến đi như vậy, mỗi đêm đoàn sẽ tìm được 16 - 17 cá thể, trong đó có khoảng 3 - 4 loài. Chuyến đi ấy, cả đoàn mệt nhưng vui vì phát hiện được loài nòng nọc có mẫu hình khá lạ, nghi ngờ đây là một loài mới, tuy nhiên, đoàn không tìm được cá thể trưởng thành. Chung chia sẻ: Có lẽ, do trời mưa quá lớn, cá thể trưởng thành đã trôi theo dòng nước đi xa. Chúng tôi sẽ quay lại và nhất định chuyến sau sẽ tìm được cá thể trưởng thành.

Chung tham gia khảo sát và nghiên cứu loài từ năm 2014. Những dãy núi cao của Lào Cai anh đều nhiều lần đặt chân đến, có những khi ở cả tuần trên núi. Chuyến đi nào cũng có những ấn tượng riêng đối với anh. Chung cho biết, làm công việc nghiên cứu sinh vật thì nguy hiểm là điều không tránh được. Anh còn nhớ chuyến khảo sát trên đỉnh Fansipan hồi giữa tháng 9/2017. Đoàn ngủ ở độ cao 2.800 m, cạnh một dòng suối cạn. Đêm đó, lũ về đột ngột, cuốn trôi cả lều ngủ, may mà mọi người chạy kịp...

Trong câu chuyện của các nhà nghiên cứu sinh vật, tôi còn được biết đến anh Lương Văn Hào, hiện là Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên. Anh Hào đã có thâm niên nghiên cứu gần 10 năm. Trước đây, anh công tác tại Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Cúc Phương. Với vai trò là một nhà nghiên cứu sinh vật, phạm vi nghiên cứu rộng khắp, nên lên rừng hay xuống biển, rất nhiều vùng đất của Việt Nam anh đã đặt chân đến. Có những chuyến anh lênh đênh trên biển cả tháng. Sóng, gió và biết bao nguy hiểm rình rập càng khiến anh say mê hơn với công việc của mình. Nghiên cứu sinh vật là những ngày thường xuyên phải xa nhà, hoặc nếu có trở về thì cũng là khi đêm muộn và sáng hôm sau lại ra khỏi nhà từ rất sớm, nên công việc còn cần đến sự đồng cảm rất lớn từ người thân. Tâm sự về một kỷ niệm nhớ nhất, anh không quên thời gian nghiên cứu về môi trường sống của loài Linh trưởng. Đây là loài vật sống ở vách núi, bắt buộc anh phải leo ra vách để tìm hiểu, sơ ý là có thể trả giá đắt.

Anh Hào chia sẻ: Khám phá thiên nhiên là bước đầu tiên trong hành trình tìm ra loài mới. Khi phát hiện loài lạ, chúng tôi lấy mẫu, xét nghiệm, giải phẫu, gửi mẫu đi nghiên cứu, xây dựng danh sách loài, mô tả hình thái qua nhiều công đoạn chỉnh sửa, đến khi đặt tên được cho loài và công bố có khi phải mất vài năm. Vì vậy, không phải ai cũng làm được công việc này, trước hết phải yêu thiên nhiên, say mê nghiên cứu khoa học, có sự hiểu biết và có mối quan hệ mật thiết với cộng đồng khoa học quốc tế.

Tìm ra một loài vật mới có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đây sẽ là căn cứ để các nhà khoa học có chiến lược bảo tồn và phát triển sinh vật. Công việc đầy gian nan nhưng cũng rất thú vị của những nhà nghiên cứu khoa học không phải ai cũng biết đến.

 Chia tay các cán bộ, những nhà nghiên cứu sinh vật tại Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên, chúng tôi hẹn trong hành trình khám phá thiên nhiên gần đây nhất sẽ cùng đi với đoàn, để thử một lần thấy được công việc mà họ đang ngày đêm đam mê khám phá.

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

[Ảnh] Lễ hội hoa sen đá trong mùa săn mây đẹp nhất năm tại Sa Pa

Mở đầu cho chuỗi hoạt động kích cầu lớn nhất năm 2024 tại thị xã Sa Pa, ngày 29/10, Khu du lịch Sun World Fansipan Legend tổ chức Lễ hội Hoa sen đá với chủ đề “Chào ánh nắng, chào yêu thương”.

Hơn 100 doanh nghiệp du lịch Sa Pa chung tay kích cầu, ưu đãi đến 50%

Ngày 29/10, UBND thị xã Sa Pa, Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai phối hợp với Khu du lịch Sun World Fansipan Legend tổ chức chương trình kích cầu du lịch lớn nhất năm 2024 với chủ đề “Chạm Sa Pa – Chạm những tầng mây”.

Định hướng phát triển du lịch làng nghề

Nghề thủ công ở Lào Cai xuất hiện từ rất sớm. Làng người Mông thường có một, hai hộ làm nghề rèn đúc, sửa chữa nông cụ, chạm khắc bạc, làm đồ trang sức. Làng người Tày lưu giữ nghề trồng bông dệt vải, bán vải chàm, vải bông ở các chợ vùng cao...

[Ảnh] Bắc Hà mùa thu

Mùa thu, Bắc Hà đẹp mê mẩn với những ngọn núi bao phủ trong mây trắng bồng bềnh, đồi hoa tam giác mạch đang mùa bung nở, các thiếu nữ xúng xính váy áo xuống chợ phiên...

Lên Y Tý ngắm nhà Trình tường

Y Tý là một xã vùng cao của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai với thiên nhiên tươi đẹp, núi non hùng vĩ, không khí trong lành.

[Ảnh] Những điểm đến đẹp ở Sa Pa

Sa Pa đẹp nhất vào mùa nào? Thật khó để có thể tìm một câu trả lời tròn vẹn. Bởi người ta vẫn ví Sa Pa giống như một nàng công chúa, đẹp ở mọi góc cạnh, khuôn hình. Có người thích mùa xuân ngọt ngào; người thích mùa hạ rực rỡ; người thích mùa thu dịu dàng, lãng mạn; người lại thích mùa đông lạnh...