Có một trấn Hà ở Tân An
Theo tài liệu nghiên cứu về di tích lịch sử của Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch, vào đời nhà Lê, niên hiệu Cảnh Hưng, trấn Bảo Hà (còn gọi là trấn Hà) là trung tâm của châu Văn Bàn. Trong thời kỳ này, Văn Bàn xây dựng được nhiều trạm gác thành lũy. Ở xã Khảo Bàn (Khảo Bàn là khảo dị từ phát âm “Khau Bàn” hay “Khẩu Bàn” theo tiếng Tày tức là đèo, hay cửa vào Văn Bàn) cũng xây dựng nhiều thành lũy chống lại giặc phương Bắc thường xuyên quấy nhiễu vùng biên ải. Vị trí của Bảo Hà cũng như của Tân An trở nên vô cùng quan trọng, ở đây có đường bộ, đường thủy (hữu ngạn sông Hồng) nối với sở lỵ Hưng Hóa, có tuyến đường nối với thành cổ Nghị Lang của dòng họ Vũ Văn (Vũ Văn Mật).Dấu tích trấn Hà xưa. |
Ngoài các tư liệu trên, theo “Đồng Khánh dư địa chí” thì: “… tại phủ Quy Hóa, đầu mối hạt, sở, lỵ, châu mới được thiết lập tại trại Khánh An, xã Khảo Bàn, tổng Khánh An (tức đồn Trấn Hà), chu vi lũy đất tổng cộng dài 41 trượng, thân lũy cao 6 xích, chân lũy rộng 7 xích, bề dày 4 xích, phía trước sau và bên trái đều có cửa, tất cả đặt pháo đài… Vị trí của pháo đài nằm ngay trên gò khá cao, cách bờ sông Hồng 50m, thuận lợi để quan sát dọc tuyến sông Hồng, cũng như việc án ngữ của thành lũy có vai trò quan trọng trong chiến lược quân sự và sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi biên giới phía Bắc của Tổ quốc”.
Ông Tạ Minh Khuê, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Văn Bàn cho biết: Dọc tuyến sông Hồng có rất nhiều điểm trấn Hà, nhưng trấn Hà thuộc xã Tân An ngày nay là điểm quan trọng nhất. Vì tại đây, nhánh Hoàng Liên Sơn bên hữu ngạn và dãy Con Voi bên tả ngạn đều tiến sát bờ sông, khiến một đoạn sông hẹp lại, trong khi đường bộ hai bên sông hiểm trở. Nay di tích trấn Hà còn sót lại bức tường thành bằng đất sét có niên đại vào khoảng thế kỷ XV. Huyện Văn Bàn đang có kế hoạch khảo sát, lập hồ sơ khoa học đề nghị Nhà nước xếp hạng quốc gia di tích trấn Hà này.
Đặc biệt, các tướng quân đã đặt đền thờ Mẫu tại xã Tân An để cầu phù hộ cho quân và dân bảo vệ tại trấn Hà. Đền được vua triều Nguyễn sắc phong đền thờ Mẫu Thượng Ngàn. Tướng Hoàng Bảy được triều đình phái lên trấn ải. Ông giao con gái Nguyễn Hoàng Bà Xa lo đèn nhang đền Mẫu. Khi mất, tướng Hoàng Bảy được nhân dân lập đền thờ tại xã Bảo Hà. Con gái tướng Hoàng Bảy mất, nhân dân nơi đây đưa bài vị bà vào thờ tại một ban của đền Mẫu và dần quen gọi đền Mẫu là đền Cô. Đền Mẫu Tân An đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cấp bằng xếp hạng di tích quốc gia. Như vậy, tích trấn Hà và 2 ngôi đền có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tạo thành quần thể di tích gắn với lịch sử giữ nước chống giặc phương Bắc của dân tộc ta.
Ông Hoàng Xuân Thắng, ở xã Tân An dẫn chúng tôi đi thăm di tích trấn Hà. Hiện nay, trấn Hà chỉ còn một phần thành lũy thuộc thôn Tân An 1, làm bằng đất đỏ trộn với sỏi, tường thành dày 60 cm, chiều cao còn lại 4 m, chiều dài khoảng 8 m, trên tường còn có các lỗ đặt pháo với chiều cao 60 cm, rộng 30 cm, được bố trí lệch nhau. Trải qua thời gian, mưa nắng, thành lũy ấy vẫn sừng sững bên bờ sông Hồng. Chính quyền xã Tân An đã giao cho người dân tham gia bảo vệ di tích trấn Hà, làm tường rào ngăn sự xâm hại, để bảo tồn phục vụ nghiên cứu. Xã Tân An cũng đề nghị các ngành chức năng khẩn trương khảo cứu, có phương án đầu tư tôn tạo, để trấn Hà trở thành điểm đến trong hành trình khám phá mảnh đất Văn Bàn cũng như giúp người dân hiểu thêm giá của lịch sử.