Tiền điện, nước, học phí, viện phí... sẽ thanh toán qua ngân hàng
Với mục tiêu góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội.Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại phục vụ thanh toán qua ngân hàng
Để triển khai việc thanh toán được thuận lợi, Đề án cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công và chi trả các chương trình an sinh xã hội. Trong đó, chú trọng triển khai ứng dụng các hình thức, phương thức mới, hiện đại phục vụ thanh toán qua ngân hàng. Đó là: chấp nhận thanh toán thẻ tại các đơn vị Kho bạc Nhà nước, các bệnh viện, trường học; áp dụng các sản phẩm dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp, thuận lợi cho khách hàng trong thu, nộp thuế, thanh toán hóa đơn tiền điện, tiền nước, học phí, viện phí, chi trả lương, trợ cấp từ bảo hiểm xã hội; phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại nhưng dễ sử dụng và phù hợp với điều kiện ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và có thể áp dụng đối với những đối tượng khách hàng chưa có tài khoản ngân hàng; phát triển thêm các sản phẩm thẻ ngân hàng đa năng, đa dụng cho phép thực hiện các giao dịch thu, nộp thuế, thu phí cầu đường, nhận tiền bảo hiểm xã hội, nộp học phí, viện phí với nhiều hình thức thanh toán (thanh toán trực tuyến, thanh toán trên ứng dụng điện thoại di động, thanh toán không tiếp xúc, thanh toán trường gần trên di động (NFC) và các dịch vụ thanh toán hiện đại khác); phát triển thêm các phương tiện thanh toán mới tạo thuận lợi cho khách hàng dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thanh toán của ngân hàng; xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống thanh toán bù trừ tự động cho các giao dịch bán lẻ nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán mọi thời điểm (24/7) của các tổ chức và cá nhân,…
Hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán
Một trong những giải pháp khác để đảm bảo cho việc thanh toán không dùng tiền mặt, đó là hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thanh toán điện tử để phục vụ cho việc thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội. Đồng thời đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, các sản phẩm dịch vụ thanh toán, tạo niềm tin cho khách hàng. Cụ thể: Thường xuyên kiểm tra, rà soát, bổ sung và hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ, quy định nội bộ về an ninh, bảo mật hệ thống công nghệ thông tin nhằm hạn chế các rủi ro; phát hiện sớm các vi phạm để chấn chỉnh đảm bảo tuân thủ các quy định về an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán; kiểm tra, rà soát hệ thống máy giao dịch tự động (ATM) và thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán (POS); tăng cường hệ thống đảm bảo an toàn, bảo mật cho các giao dịch qua ATM, POS và các giải pháp xác thực khách hàng để phòng, chống các hành vi gian lận;…
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt
Các ngành, địa phương đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về Đề án, trọng tâm là các nội dung: những lợi ích và hiệu quả của việc sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt khi thực hiện nộp thuế, trả tiền điện, nước, học phí, viện phí và chi trả an sinh xã hội; thông tin về các sản phẩm, dịch vụ; quy trình, thủ tục thanh toán không dùng tiền mặt; phổ biến kiến thức, giáo dục tài chính cho người dân (đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn); thực hiện chương trình tiếp thị, phổ biến các kinh nghiệm, sáng kiến tốt trên thế giới, cung cấp tư vấn, các chương trình quản lý rủi ro; khuyến cáo, hướng dẫn khách hàng phòng tránh các rủi ro, thủ đoạn gian lận; hướng dẫn, hỗ trợ đào tạo khách hàng về quy trình thanh toán tạo thói quen cho khách hàng trong việc thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội qua ngân hàng;…
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các ngành, địa phương xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, tổ chức cung ứng dịch vụ công trên địa bàn, triển khai đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội qua ngân hàng.