Xây dựng Lào Cai trở thành điểm đến du lịch bậc nhất Tây Bắc
Xu hướng của thế giới và Việt Nam là mở rộng các loại hình du lịch có lựa chọn, nhất là du lịch hướng tới tự nhiên và văn hóa.Đón được xu thế đó, tỉnh Lào Cai đã xây dựng và ban hành Đề án số 3 về “Phát triển du lịch tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016 - 2020”, với mục tiêu tổng quát xây dựng Lào Cai trở thành một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn nhất của vùng Tây Bắc, là một trong những trọng điểm của du lịch Việt Nam và hướng đến là trung tâm du lịch lớn của quốc tế. Phấn đấu đến năm 2020, Lào Cai đón 4,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó, khách quốc tế chiếm 35% tổng lượt khách; du lịch Lào Cai đóng góp khoảng 20% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh và cơ bản trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu khối dịch vụ.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, tỉnh Lào Cai đã và đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó, tập trung khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh từng vùng, địa phương, tạo chuỗi điểm đến cho khách du lịch; tăng cường huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hạ tầng du lịch theo hướng hiện đại; không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ; cải thiện môi trường kinh doanh; phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, xây dựng các tuyến, điểm du lịch; quảng bá du lịch tới bạn bè trong nước và quốc tế…
Sa Pa - điểm đến hấp dẫn du khách khi tới Lào Cai. |
Nếu như trước đây, nhắc đến du lịch Lào Cai thì Sa Pa, Bắc Hà sẽ là cái tên đầu tiên được nói tới. Bởi, từ lâu hai địa phương này đã trở thành điểm đến được du khách trong nước và nước ngoài yêu thích, bởi khí hậu mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ, bản sắc văn hóa độc đáo, có nhiều sản phẩm du lịch, như du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng. Nhưng đến nay, trên bản đồ du lịch của Lào Cai và Việt Nam cũng đã ghi nhận và đánh dấu Bát Xát, Bảo Yên, Si Ma Cai… đang là điểm đến du lịch được nhiều du khách trong và ngoài nước lựa chọn khi đến Lào Cai.
Điểm nhấn khi đi du lịch đến Si Ma Cai đó là du lịch chợ phiên với những sản vật do chính đồng bào dân tộc địa phương làm ra. Vào các buổi chợ phiên Cán Cấu, Si Ma Cai, Sín Chéng, du khách sẽ được đắm mình trong không gian văn hóa rực rỡ sắc màu thổ cẩm của đồng bào dân tộc Mông ở các gian hàng thổ cẩm; thưởng thức những đặc sản địa phương và ẩm thực dân tộc. Còn đến với Bảo Yên, du khách được tham quan, chiêm bái các di tích văn hóa - lịch sử và khám phá những nét sinh hoạt văn hóa, văn nghệ hấp dẫn, xuất phát từ lao động, sản xuất, tín ngưỡng của dân tộc như: Lễ hội xuống đồng, các làn điệu dân ca, dân vũ như hát cọi, hát then, hát lượn, múa cày - cấy bên các nhạc cụ dân tộc. Đối với Bát Xát - vùng đất được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam, thắng cảnh và có nhiều điểm, tuyến du lịch hấp dẫn, cùng bản sắc văn hóa các dân tộc độc đáo cũng đang là điểm đến hấp dẫn cho du khách. Các điểm du lịch hấp dẫn ở Bát Xát là Y Tý - địa danh nổi tiếng với khí hậu mát mẻ, rừng già hoang sơ, ruộng bậc thang, những đỉnh núi hùng vĩ và nét văn hóa độc đáo của người Hà Nhì; điểm du lịch Lũng Pô - “Nơi sông Hồng chảy vào đất Việt” gắn với làng văn hóa du lịch Mông tại thôn Lũng Pô 2; điểm du lịch chợ Mường Hum, gắn với văn hóa chợ vùng cao…
Không chỉ xây dựng chuỗi điểm đến, Lào Cai còn duy trì và phát triển một số loại hình, sản phẩm du lịch theo hướng đa dạng và nâng cao chất lượng. Một số loại hình du lịch đưa vào khai thác và phát triển tốt, như du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh, du lịch gắn với các danh lam thắng cảnh, du lịch nông nghiệp gắn với trải nghiệm cuộc sống nông thôn, du lịch chinh phục đỉnh cao, du lịch cộng đồng... Một số sản phẩm du lịch trở thành thương hiệu của tỉnh Lào Cai như: Giải đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà, giải marathon leo núi quốc tế, giải đua xe đạp quốc tế “một đường đua hai quốc gia”, giải đua xe đạp vượt núi quốc tế theo cung đường thành phố Lào Cai - Bát Xát - Y Tý - Bản Khoang - Sa Pa, lễ hội 4 mùa, lễ hội trên mây Sa Pa…
Cùng với ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch ở tỉnh đã được đầu tư mạnh, thông qua thu hút các dự án đầu tư của nhiều nhà đầu tư chiến lược, như: Sun Group, VinGroup, Accor, The Manor Bitexco, Sa Pa Land, Trường Giang, Thiên Minh… Nhiều dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, khu du lịch sinh thái, du lịch cộng công đã đi vào hoạt động tác động tích cực đến hoạt động du lịch Lào Cai, trong đó có Khu vui chơi giải trí cáp treo Fansipan, Khu nghỉ dưỡng cao cấp Topas Ecolodge, Khu du lịch Lá Dao, các khách sạn tiêu chuẩn 5 sao (Acord, Silk Path, Pao’s Sa Pa).
Việc tích cực đầu tư hạ tầng du lịch và các sản phẩm du lịch từ các địa phương, doanh nghiệp đã làm thay đổi diện mạo của du lịch Lào Cai. Một tín hiệu đáng mừng trong 2 năm qua (2016 - 2017), lượng khách du lịch đến với Lào Cai tăng mạnh và tăng đột biến trong các ngày lễ, tết; doanh thu xã hội từ hoạt động du lịch tăng mạnh qua các năm, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Để khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch, trong những năm qua, ngành phối hợp với các sở, ngành hữu quan và các huyện, thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chương trình, kế hoạch về phát triển du lịch của tỉnh. Đến nay, 7/7 chỉ tiêu của Đề án số 3 đều đạt và vượt cao so với mục tiêu đặt ra, cụ thể: Cơ sở lưu trú phát triển, có 961 cơ sở với trên 11.000 phòng, đạt 75% so với mục tiêu đề án; tổng số hướng dẫn viên và thuyết minh có 716 người, đạt 126% so với mục tiêu đề án; tổng lượng khách du lịch đạt 3,5 triệu lượt/4,5 triệu lượt, đạt 78% mục tiêu đề án; tổng doanh thu du lịch ước đạt 9.442 tỷ đồng, đạt 52% mục tiêu đề án; 19.200 người có việc làm từ hoạt động du lịch, đạt 58% so với mục tiêu đề án; mức chi tiêu bình quân của khách du lịch đến Lào Cai, đạt 1.335.000 đồng/khách, vượt 38% mục tiêu đề án; chỉ tiêu số ngày lưu trú bình quân là đạt 2 ngày/3 ngày mục tiêu đề án.
Mới đây, tại buổi làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá kết quả thực hiện Đề án số 03 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Phát triển du lịch tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016 - 2020”, đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tiếp tục thực hiện tốt hơn vai trò cơ quan chủ trì đề án, nhằm kết nối các đơn vị, ban, ngành trong thực hiện các nhiệm vụ liên quan để việc triển khai thực hiện các nội dung, mục tiêu đề án đạt hiệu quả cao nhất. Cần chủ động đề xuất với tỉnh các cơ chế, chính sách, nhằm tạo “cú hích” mạnh cho phát triển du lịch, dịch vụ; có giải pháp nâng cao chất lượng du lịch, trong đó tăng cường đào tạo và xây dựng nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp, xây dựng môi trường du lịch thân thiện, có nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng theo lĩnh vực, vùng, địa phương, hướng đến xây dựng Lào Cai trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn nhất của vùng Tây Bắc, một trong những trọng điểm du lịch của Việt Nam.