APPF-26 thông qua Tuyên bố Hà Nội
Phát biểu tại phiên bế mạc Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định cùng với kết quả đạt được của những hội nghị trước, APPF-26 là bước tiến tiếp theo trong quá trình thực hiện tôn chỉ, mục đích của Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương đã được đề ra trong Tuyên bố Vancouver và Tuyên bố New Tokyo.
Tại kỳ hội nghị lần này, 14 nghị quyết về những vấn đề quan trọng, Tuyên bố Hà Nội về “Tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương” và Thông cáo chung APPF-26 đã được thông qua.
Các nghị quyết đã được thông qua cũng như qua các cuộc trao đổi, thảo luận đã cho thấy vai trò quan trọng của các nghị viện trong việc tham gia vào tiến trình thực hiện những cam kết quốc tế để bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển bền vững, vì lợi ích của nhân dân trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương...
Về kinh tế- thương mại, APPF là một cơ chế hợp tác mở, ủng hộ, bổ trợ và không thể tách rời khỏi APEC. APPF có một nhiệm vụ quan trọng là tiếp tục thúc đẩy mở rộng tự do hóa thương mại, đổi mới hình thức liên kết kinh tế, thương mại phù hợp với tình hình mới.
Hội nghị đã đánh giá cao kết quả của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại thành phố Đà Nẵng. APPF cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy một châu Á-Thái Bình Dương kết nối và liên kết toàn diện, một hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, tự do, công bằng, minh bạch và bao trùm, vì lợi ích của mọi người dân để không ai bị bỏ lại phía sau.
Hội nghị đã nhấn mạnh sự cần thiết phải “biến lời nói thành hành động”, kêu gọi sự hỗ trợ của các quốc gia phát triển đối với các nước đang phát triển trong việc chung tay thực hiện Chương trình nghị sự về phát triển bền vững 2030 của LHQ và Thỏa thuận Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các đại biểu khẳng định sự cần thiết phải đẩy mạnh đối thoại và hành động chung nhằm ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, trong đó có an ninh lương thực, an ninh năng lượng, quản lý bền vững các nguồn tài nguyên; gia tăng nỗ lực phòng ngừa và chống chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan; tăng cường đối thoại giữa các nền văn hóa và tôn giáo.
Tuyên bố Hà Nội - tầm nhìn mới của APPF
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh thành công của APPF-26 là đã thông qua Tuyên bố Hà Nội về “Tầm nhìn mới của quan hệ đối tác nghị viện châu Á - Thái Bình Dương”.
Kế thừa các bản Tuyên bố dấu ấn khác của APPF, Tuyên bố Hà Nội có ý nghĩa quan trọng, xác định một tầm nhìn mới của APPF sau một phần tư thế kỷ hình thành và phát triển.
Tuyên bố đã điểm lại những thành tựu nổi bật của APPF, kiên trì thực hiện mục tiêu chung góp phần thúc đẩy mạnh hợp tác và đối thoại vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. APPF đã đóng góp vào các nỗ lực chung của các cơ chế toàn cầu và khu vực, như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Hội đồng liên Nghị viện ASEAN (AIPA), LHQ, APEC, ASEAN…
Tuyên bố Hà Nội cũng đã đưa ra một bức tranh về sự phát triển hiện nay của khu vực và quốc tế, trong đó có những thay đổi căn bản, với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, cùng những tác động sâu rộng. Trong tiến trình đó, Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác tích cực, cùng APPF và nghị viện các nước nỗ lực hiện thực hóa tầm nhìn đã đề ra để đưa các khuyến nghị, nghị quyết của APPF thành hành động cụ thể.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cảm ơn các đại biểu đã cộng tác và hỗ trợ để Quốc hội Việt Nam hoàn thành trọng trách của nước chủ nhà APPF-26.