Phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng - Tạo nét riêng cho Lào Cai
Bên cạnh phát triển các sản phẩm du lịch trong tỉnh, việc mở rộng liên kết với các tỉnh lân cận cũng được thúc đẩy hiệu quả. Nhờ liên kết này, 3 tỉnh Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai đã hình thành các tuyến du lịch tâm linh dọc sông Hồng, tuyến du lịch tham quan 3 danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải - Sa Pa - Nguyên Dương (Trung Quốc). Ngoài ra, Lào Cai đã tăng cường chủ động cùng với 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng xây dựng chương trình “Vòng cung Tây Bắc” để kéo dài tour, tuyến du lịch, kéo dài ngày lưu trú của khách và khiến khách du lịch chi nhiều tiền hơn.
Lễ hội Gầu tào ở Pha Long (Mường Khương) thu hút đông đảo du khách đến tham dự. Ảnh TL.
Xác định được thế mạnh, tiềm năng du lịch sinh thái kết hợp với du lịch làng nghề, du lịch homestay, du lịch nghỉ dưỡng để tạo nên sự hấp dẫn nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, Lào Cai đang chú trọng đến một số vấn đề như Chiến lược xúc tiến và quảng bá thương hiệu du lịch Lào Cai, đầu tư cơ sở hạ tầng cho từng loại sản phẩm du lịch đặc trưng đã được xác định, chiến lược phân phúc thị trường theo các yếu tố dân số, xã hội học và hình thức đi du lịch của du khách. Đối với du khách quốc tế thích khám phá, trải nghiệm thực tế cần tạo cảnh quan sinh thái hấp dẫn, như khi đến Sa Pa, thăm quan du lịch tại Bản Hồ, du khách có thể nghỉ ngơi tại nhà của người dân tộc Mông, thăm bản làng để ngắm nhìn ruộng bậc thang, cách canh tác trên ruộng lúa, cối giã gạo bằng sức nước. Khi đi thăm Bắc Hà, du khách có thể thưởng thức thứ rượu ngô nổi tiếng hay nghệ thuật nấu món “thắng cố” của người bản địa.
Đối với du khách thích tìm hiểu danh nhân, tham quan các di tích lịch sử văn hóa cách mạng và tâm linh thì có thể đến các điểm tham quan Đền Thượng, Đền Mẫu, Đền Đôi Cô, chùa Cam Lộ (thành phố Lào Cai); Đền Phúc Khánh, Bảo Hà (Bảo Yên); Đền Mẫu Sơn, Đền Hàng Phố, Đền Mẫu Thượng (Sa Pa); Đền Tân An, Đền làng Ken (Văn Bàn).
Tuyến đi bộ tại Sa Pa được báo chí nước ngoài đánh giá cao. Ảnh TL.
Ngoài ra, việc trải nghiệm cùng với các làng nghề truyền thống ở Lào Cai đang trở thành một trong những điểm nhấn quan trọng trên bản đồ du lịch hành trình khám phá miền đất “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”. Cái thú vị của làng nghề Lào Cai là làng không chỉ có một nghề, mà có rất nhiều nghề truyền thống mang màu sắc của dân tộc như làng nghề Bản Phố (Bắc Hà) với nghề nấu rượu ngô, nghề rèn đúc nông cụ, nghề chạm khắc bạc và nghề dệt, thêu thổ cẩm. Lào Cai cũng chú trọng đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo với quy mô quốc tế. Một số sản phẩm du lịch đặc trưng được báo chí nước ngoài đánh giá cao như: Tuyến đi bộ hấp dẫn ở Sa Pa; chợ văn hóa Bắc Hà; ruộng bậc thang Sa Pa…
Tuy nhiên, để phát huy được những lợi thế trên, du lịch Lào Cai cần có các giải pháp đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch gắn liền với các chiến lược cạnh tranh, mở rộng và tìm kiếm thị trường, đặc biệt trong xu thế hội nhập. Trong thời gian tới, Lào Cai tiếp tục tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch tại các khu tham quan, nghỉ dưỡng như Sa Pa, Bắc Hà, thành phố Lào Cai. Đặc biệt, tỉnh sẽ xây dựng và hoàn thiện quy hoạch xây dựng khu du lịch quốc gia Sa Pa, đô thị du lịch Sa Pa; xây dựng điểm du lịch quốc gia thành phố Lào Cai; xây dựng tổng thể cụm du lịch Bắc Hà, Bát Xát. Tăng cường phát triển các dòng sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác tài nguyên tại các địa phương; khai thác các di tích, di sản và danh thắng và phát triển du lịch tâm linh, du lịch chợ phiên, du lịch làng bản, du lịch cộng đồng.
Với những giải pháp trên, mục tiêu tỉnh Lào Cai đang hướng tới đó là phát triển du lịch theo hướng bền vững, có trách nhiệm; tạo sức hút đối với du khách trong và ngoài nước./.