Năm 2017 thành công, còn nhiều thách thức đón chờ năm 2018
Các chuyên gia tại buổi toạ đàm. Ảnh: VGP/Huy Thắng |
Bản báo cáo Kinh tế vĩ mô quý 4 và năm 2017 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa công bố phản ánh một năm thành công của kinh tế Việt Nam với sự phục hồi lạc quan của nền kinh tế Việt Nam nhưng các chuyên gia cũng phân tích một số vấn đề cần lưu ý trong thời gian tới.
Các cân đối lớn của nền kinh tế khả quan
Báo cáo của VEPR điểm lại, 2017 là năm đầu tiên sau nhiều năm hoàn thành 13 chỉ tiêu kinh tế xã hội do Quốc hội đề ra. Trong đó, GDP cả nước ước tăng 6,81%, cao hơn mục tiêu 6,7%, dù từ đầu năm các chuyên gia cũng như các tổ chức trong nước và quốc tế không đưa ra nhiều kỳ vọng lạc quan.
Vấn đề lo ngại về gia tăng lạm phát trong quý cuối năm không xảy ra khi có điều chỉnh giá các mặt hàng như y tế, giáo dục và xăng dầu.
TS Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng VEPR đánh giá, các kết quả đó phản ánh chính sách tiền tệ linh hoạt và thận trọng của NHNN, cũng như nỗ lực của các cấp trong việc kiềm chế giá cả thị trường.
Ngoài ra, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư đã giúp NHNN bổ sung lượng dự trữ ngoại hối lớn. Dự trữ ngoại hối cao giúp NHNN có thêm không gian để tiếp tục duy trì nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, sau khi các biện pháp nới lỏng tiền tệ cũng sẽ có tác động, đặt ra thách thức cho NHNN trong thời gian tới trong việc kiểm soát và trung hòa lượng ngoại tệ này nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô trong thời gian tới.
Báo cáo của VEPR cũng nhận định, việc thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh cùng xu hướng chung của thế giới và khởi sắc tạo điều kiện thuận lợi cho cổ phần hoá và thoái vốn khỏi doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Điều đáng ghi nhận là quá trình cổ phần hoá đã diễn ra mạnh mẽ trong năm 2017 tại các DNNN lớn, và được kỳ vọng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2018.
Chỉ số xếp hạng mức độ thuận lợi trong kinh doanh (EDBI) của Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy mức độ cải thiện mạnh mẽ. Xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam 2017-2018 tiếp tục thăng tiến 14 bậc, phản ánh kết quả tích cực của ổn định kinh tế vĩ mô, nỗ lực cải cách hành chính và môi trường đầu tư. Điều đó thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân và khu vực FDI, góp phần vào tăng trưởng kinh tế.
Về triển vọng 2018, Viện trưởng VEPR nhận định, kinh tế vĩ mô ổn định, cùng với những cải cách thể chế nhằm cải thiện môi trường đầu tư được Chính phủ quyết tâm theo đuổi được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, hỗ trợ tích cực hơn cho hoạt động kinh doanh trong năm 2018”.
Áp lực tăng trưởng là thách thức lớn
Bên cạnh những điểm sáng, VEPR cũng chỉ ra những vấn đề còn tồn tại của nền kinh tế. Viện trưởng VEPR- TS Nguyễn Đức Thành nói: xuất siêu lớn của khu vực FDI một mặt góp phần quan trọng mang lại một năm thặng dư thương mại cao, mặt khác đặt ra câu hỏi về tính bền vững của nền kinh tế nội địa khi phụ thuộc ngày càng nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Đại diện VEPR cho rằng, dù đã có mức tăng trưởng nhanh trong năm qua nhưng vẫn có những hạn chế của nền kinh tế vẫn chưa được giải quyết triệt để sẽ vẫn là lực cản đối với nền kinh tế. Đó là, công nghiệp chế tạo chưa tạo ra được những đột phá mới; động lực tăng trưởng kinh tế vẫn chưa đến từ việc tăng năng suất lao động.
Đặc biệt TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, nếu không có những biện pháp tổng thể giúp nâng cao năng suất lao động trong tương lai gần, trong bối cảnh cơ cấu dân số vàng sắp đi qua, Việt Nam sẽ khó có thể duy trì được đà tăng trưởng như hiện nay. Về lâu dài, lợi thế về lao động giá rẻ sẽ ngày càng mất đi do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
“Áp lực tăng trưởng cho năm 2018 thực sự là một thách thức lớn”, TS Thành dự báo. “Đầu năm dự báo là rất khó, và trên tinh thần thận trọng chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP 2018 vào khoảng 6,65%. Điều quan trọng là nếu không có sự cải thiện vững chắc các vấn đề đang tồn tại thì cơ hội đến rồi sẽ đi”, TS Nguyễn Đức Thành kết luận.
Còn TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương cũng đánh giá cao thành quả đạt được trong năm 2017 nhưng vẫn băn khoăn khi tăng trưởng chưa dựa được vào doanh nghiệp dân tộc, nội địa mà vẫn phụ thuộc vào khu vực đầu tư nước ngoài (FDI), ông e ngại rằng, nhà đầu tư nước ngoài sẽ ưu tiên mang lãi về nước họ.
TS Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, năm 2018 sẽ không dễ dàng khi Việt Nam sẽ dần phải thực hiện các cam kết của16 hiệp định thương mại tự do, vì khi đó hàng loạt thuế suất sẽ giảm về 0 %, nên thu ngân sách rất khó khăn. Chúng ta thương lượng với WTO rằng năm 2018 có là nền kinh tế thị trường hay không, nên lưu ý là Trung Quốc đã không được công nhận là nền kinh tế thị trường. Tình hình cấp bách là phải tái cơ cấu ngân sách, giảm chi thường xuyên”, ông Doanh nhấn mạnh.
TS Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, cần xem lại mức độ nội địa hoá hàng xuất khẩu, nhiều mặt hàng chủ lực, Việt Nam chỉ tham gia khâu gia công là chính, giá trị gia tăng còn thấp.
Nguyên Viện trưởng CIEM khẳng định ủng hộ quan điểm của lãnh đạo Chính phủ khi đề cao vai tầm quan trọng của cải cách thể chế.
“Nhưng cốt lõi của cải cách chính là minh bạch, các thông tin cần kịp thời công bố công khai trên mạng internet. Làm sao để các doanh nghiệp không phải lớn nhờ quan hệ mà cần phải có thực lực đầu tư phát triển công nghệ quản trị tốt" TS Lê Đăng Doanh nói.