Quy định mới về quản lý, sử dụng tài sản công
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 151/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công về các nội dung sau: Thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định: Giao, mua sắm, thuê, xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; sử dụng tài sản công để tham gia dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư; mua sắm, thuê, phê duyệt phương án xử lý tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước; quản lý, sử dụng tài sản công được Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp…
Mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước
Nghị định nêu rõ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định mua sắm tài sản công trong trường hợp phải lập thành dự án đầu tư được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật có liên quan.
Thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công trong trường hợp không thuộc phạm vi quy định trên được thực hiện như sau: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương (Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương) quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
Căn cứ tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công, cơ quan nhà nước có nhu cầu mua sắm tài sản lập 1 bộ hồ sơ gửi cơ quan quản lý cấp trên (nếu có) để xem xét, đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Khoán kinh phí sử dụng tài sản công
Theo Nghị định, đối với khoán kinh phí sử dụng nhà ở công vụ, việc khoán kinh phí sử dụng nhà ở công vụ được áp dụng đối với các đối tượng có tiêu chuẩn sử dụng nhà ở công vụ mà Nhà nước không có nhà ở công vụ để bố trí. Mức khoán kinh phí được xác định trên cơ sở giá thuê nhà ở phổ biến tại thị trường địa phương nơi đối tượng nhận khoán đến công tác phù hợp với loại nhà ở và diện tích nhà ở theo tiêu chuẩn, định mức áp dụng đối với đối tượng nhận khoán.
Với khoán kinh phí sử dụng xe ô tô, đối tượng, phương pháp xác định mức khoán kinh phí sử dụng xe ô tô thực hiện theo Nghị định của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô. Kinh phí khoán được thanh toán cho người nhận khoán cùng với việc chi trả tiền lương hàng tháng. Riêng kinh phí khoán trong trường hợp đi công tác được thanh toán cùng với việc thanh toán công tác phí.
Với khoán kinh phí sử dụng máy móc, thiết bị, cán bộ, công chức và đối tượng khác có tiêu chuẩn sử dụng máy móc, thiết bị đăng ký thực hiện khoán kinh phí sử dụng máy móc, thiết bị trang bị cho cá nhân phục vụ nhiệm vụ được giao.
Mức khoán như sau:
Mức khoán (đồng/tháng) = Mức giá máy móc, thiết bị theo tiêu chuẩn, định mức (đồng) x Tỷ lệ (%) hao mòn theo chế độ quy định / 12 (tháng)