Đề án “Phát triển du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020” – Nền tảng vững chắc để phát triển du lịch Lào Cai

Sau 2 năm thực hiện, Đề án “Phát triển du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020” đã thu được những kết quả tích cực. Tất cả các chỉ tiêu đã đạt và vượt so với kế hoạch đề ra, làm nền tảng vững chắc để xây dựng, phát triển du lịch Lào Cai thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Có thể nói, kết quả nổi bật sau 2 năm thực hiện Đề án thể hiện ở những con số cụ thể đó là: tổng lượng khách du lịch đến Lào Cai từ năm 2016 đến năm 2017 ước đạt trên 3,5 triệu lượt người; doanh thu du lịch 2 năm ước đạt trên 9.400 tỷ đồng; tổng số cơ sở lưu trú năm 2017 đạt 961 cơ sở với gần 11.000 phòng, tăng 14% so với cùng kỳ; có trên 700 hướng dẫn viên và thuyết minh viên du lịch; tạo việc làm cho trên 19 nghìn lao động. Bên cạnh các chỉ tiêu về lượng khách, doanh thu, Lào Cai đã tăng cường hợp tác đào tạo nguồn nhân lực với các tổ chức nước ngoài, liên kết với các trường đại học, cao đẳng tổ chức bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ du lịch cho các công ty, đơn vị, cơ bản đáp ứng nhu cầu hoạt động của lĩnh vực này. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch từng bước chuyên nghiệp hoá với nhiều hình thức đa dạng. Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch từng bước được cải thiện, dần đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, từng bước đưa du lịch, dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xoá đói giảm nghèo.


Giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà - Một trong những sản phẩm du lịch của Lào Cai

Đánh giá của ngành Văn hoá thể thao và du lịch Lào Cai cho thấy: sau 2 năm thực hiện, 7/7 chỉ tiêu chủ yếu của Đề án đều đạt kết quả cao; thu hút được hơn 30 dự án lớn đầu tư cho du lịch với tổng mức đầu tư trên 21.000 tỷ đồng. Du lịch ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương và của cả tỉnh.

Đối với công tác quy hoạch, giai đoạn này, Lào Cai ưu tiên đầu tư vào 3 khu vực trọng điểm du lịch đó là: thành phố Lào Cai, Sa Pa và Bắc Hà. Theo đó, Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đến nay, Lào Cai đã có đã có 28 điểm du lịch và 26 tuyến du lịch cộng đồng được công nhận. Bên cạnh đó, đã tiến hành quy hoạch du lịch các huyện như Bắc Hà, Bát Xát, thành phố Lào Cai và xây dựng chiến lược quảng bá thương hiệu Sa Pa – Fansipan. Việc phân vùng phát triển du lịch đã phát huy được tiềm năng, thế mạnh của từng khu vực và dần hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng đáp ứng nhu cầu của du khách.

Lào Cai đã xây dựng được một số sản phẩm du lịch thành “thương hiệu” nổi tiếng, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước như: Giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà; Giải Marathone leo núi quốc tế (VMM), Giải đua xe đạp quốc tế một vòng đua hai quốc gia Việt Nam – Trung Quốc; Giải xe đạp vượt núi quốc tế theo cung đường thành phố Lào Cai – Bát Xát – Y Tý – Bản Khoang – Sa Pa, Lễ hội 4 mùa, Lễ hội trên mây Sa Pa,… Cách làm này đã tạo cho du lịch Lào Cai một diện mạo mới trong tiến trình hội nhập.

Bên cạnh đó, các di tích, di sản văn hóa, danh thắng tiếp tục phát huy giá trị, tạo thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách như: Danh thắng ruộng bậc thang Sa Pa, Bát Xát, các di tích Đền Bảo Hà, Đền Cô Tân An, Đền Thượng, Dinh Hoàng A Tưởng; các di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội, nghệ thuật truyền thống, tri thức dân gian,…Không chỉ thế, nhiều dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đã và đang chuẩn bị đi vào hoạt động góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch như: Khu vui chơi giải trí cáp treo Fansipan; khu sinh thái Topas; khu du lịch cộng đồng Lá Dao; khu du lịch đồi con gái (Sa Pa),…

Một trong những thành tích nổi bật đó là Lào Cai được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tổng Cục du lịch ghi nhận là địa phương đứng đầu trong cả nước về phát triển hiệu quả mô hình du lịch cộng đồng homestay với trên 200 cơ sở lưu trú, phổ biến tại các xã Tả Van, Tả Phìn, Lao Chải (Sa Pa), Y Tý (Bát Xát), Tà Chải, Na Hối, Bản Phố, Tả Van Chư, Bản Liền (Bắc Hà) do người dân trực tiếp đầu tư và thực hiện. Đây là loại hình “du lịch xanh” được khách du lịch quốc tế yêu thích khám phá. Lào Cai vinh dự trong 2 năm liền (2016-2017) được nhận giải thưởng Homestay Asean. Đây là giải thưởng thường niên do Hiệp hội du lịch các nước ASEAN tổ chức trao cho các khu vực phát triển du lịch cộng đồng sinh thái bền vững.


Lào Cai tổ chức thành công Năm du lịch quốc gia 2017 Lào Cai - Tây Bắc

Năm 2017, với vai trò là đơn vị đăng cai, Lào Cai đã tổ chức thành công Năm du lịch quốc gia với chuỗi 9 sự kiện hưởng ứng Năm du lịch quốc gia Lào Cai – Tây Bắc, các sự kiện đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách thập phương.

Trên cơ sở xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án đề ra cho giai đoạn 2016-2020, thực hiện xây dựng Lào Cai trở thành một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn nhất vùng Tây Bắc, là trọng điểm du lịch của Việt Nam và tầm cỡ quốc tế. Lào Cai đưa ra những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như: Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, xác định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và nội dung văn hóa sâu sắc, có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, tạo việc làm và động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển. Tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịch. Thực hiện mở rộng không gian du lịch, kết hợp đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, phù hợp nhằm giảm áp lực quá tải dịch vụ tại các khu đô thị trung tâm: Sa Pa, thành phố Lào Cai, Bắc Hà. Xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch các huyện, thành phố tạo hành lang pháp lý và định hướng phát triển du lịch từng vùng, địa phương. Phát triển các sản phẩm du lịch đi đôi với bảo vệ tài nguyên du lịch. Thực hiện các giải pháp bảo vệ cảnh quan thiên nhiên; sưu tầm, bản tồn phát huy giá trị di sản văn hóa, di tích, danh thắng để phục vụ phát triển du lịch bền vững. Tăng cường hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, giới thiệu được các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn của Lào Cai đối với du khách; tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch với các nhà đầu tư. Đồng thời phát triển mạnh nguồn nhân lực du lịch, huy động sự vào cuộc tích cực của mỗi người dân trong xây dựng thương hiệu và tạo hình ảnh đẹp cho du lịch Lào Cai./.

Lâm Tú

Tin Liên Quan

[Ảnh] Lễ hội hoa sen đá trong mùa săn mây đẹp nhất năm tại Sa Pa

Mở đầu cho chuỗi hoạt động kích cầu lớn nhất năm 2024 tại thị xã Sa Pa, ngày 29/10, Khu du lịch Sun World Fansipan Legend tổ chức Lễ hội Hoa sen đá với chủ đề “Chào ánh nắng, chào yêu thương”.

Hơn 100 doanh nghiệp du lịch Sa Pa chung tay kích cầu, ưu đãi đến 50%

Ngày 29/10, UBND thị xã Sa Pa, Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai phối hợp với Khu du lịch Sun World Fansipan Legend tổ chức chương trình kích cầu du lịch lớn nhất năm 2024 với chủ đề “Chạm Sa Pa – Chạm những tầng mây”.

Định hướng phát triển du lịch làng nghề

Nghề thủ công ở Lào Cai xuất hiện từ rất sớm. Làng người Mông thường có một, hai hộ làm nghề rèn đúc, sửa chữa nông cụ, chạm khắc bạc, làm đồ trang sức. Làng người Tày lưu giữ nghề trồng bông dệt vải, bán vải chàm, vải bông ở các chợ vùng cao...

[Ảnh] Bắc Hà mùa thu

Mùa thu, Bắc Hà đẹp mê mẩn với những ngọn núi bao phủ trong mây trắng bồng bềnh, đồi hoa tam giác mạch đang mùa bung nở, các thiếu nữ xúng xính váy áo xuống chợ phiên...

Lên Y Tý ngắm nhà Trình tường

Y Tý là một xã vùng cao của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai với thiên nhiên tươi đẹp, núi non hùng vĩ, không khí trong lành.

[Ảnh] Những điểm đến đẹp ở Sa Pa

Sa Pa đẹp nhất vào mùa nào? Thật khó để có thể tìm một câu trả lời tròn vẹn. Bởi người ta vẫn ví Sa Pa giống như một nàng công chúa, đẹp ở mọi góc cạnh, khuôn hình. Có người thích mùa xuân ngọt ngào; người thích mùa hạ rực rỡ; người thích mùa thu dịu dàng, lãng mạn; người lại thích mùa đông lạnh...