“Làn gió mới” cho Bát Xát
Năm 2017, trên bản đồ du lịch Lào Cai, bên cạnh những cái tên quen thuộc như Sa Pa, Bắc Hà, thì một điểm đến mới được du khách trong và ngoài nước quan tâm là Bát Xát - “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”. Được hưởng lợi từ các hoạt động của Năm Du lịch quốc gia 2017 - Lào Cai - Tây Bắc, du lịch Bát Xát được đón “luồng gió mới” để ngành “công nghiệp không khói” phát triển mạnh hơn.Vùng cao đổi thay nhờ du lịch
Nhắc đến du lịch Bát Xát, đầu tiên không thể không nhắc đến mảnh đất Y Tý. Năm 2017, lần đầu tiên Y Tý được tỉnh và huyện Bát Xát chọn là nơi tổ chức chương trình Lễ hội mùa thu “Y Tý đại ngàn” - một hoạt động hấp dẫn của Năm Du lịch quốc gia 2017 - Lào Cai - Tây Bắc, thu hút khoảng 5.000 du khách tới tham quan. Trong 3 ngày diễn ra Lễ hội mùa thu ở Y Tý, nhiều hoạt động được tổ chức như: Trưng bày không gian văn hóa các dân tộc Bát Xát; trưng bày ảnh vẻ đẹp đất và người Bát Xát; hành trình khám phá di sản quốc gia ruộng bậc thang thung lũng Thề Pả; trải nghiệm không gian văn hóa dân tộc Hà Nhì; giải leo núi chinh phục đỉnh Lảo Thẩn; trải nghiệm ẩm thực vùng cao… Các hoạt động đã để lại nhiều ấn tượng cho du khách đến tham quan.
Chinh phục đỉnh Lảo Thẩn. |
Lần này lên Y Tý, chúng tôi vào thăm ngôi nhà của Sùng A Hờ, chàng trai trẻ người Mông đam mê làm du lịch. Giờ đây, ngôi nhà gỗ nhỏ đã trở thành homestay khang trang, luôn có đông du khách trong và ngoài nước đến lưu trú để tham quan Y Tý. A Hờ chia sẻ: Năm nay, riêng dịp nghỉ lễ Quốc khánh (2/9), trùng với thời điểm địa phương tổ chức Lễ hội mùa thu, homestay của gia đình kín khách đến lưu trú, thu về khoảng 25 triệu đồng. Tính thu nhập cả năm từ du lịch của gia đình được khoảng 50 triệu đồng. Vừa qua, tôi đầu tư hơn 60 triệu đồng để làm thêm một ngôi nhà nhỏ trên đỉnh Lảo Thẩn phục vụ khách leo núi. Cuối tuần này, tôi chuẩn bị đón đoàn khách hơn 30 người dưới Hà Nội lên chinh phục đỉnh Lảo Thẩn. Họ sẽ lưu trú ở Y Tý ít nhất 3 ngày để leo núi và khám phá vẻ đẹp thiên nhiên, bản, làng nơi đây.
Hiện, không chỉ A Hờ, mà trên mảnh đất Y Tý, không ít người Mông, người Hà Nhì đã và đang tính chuyện phát triển kinh tế từ du lịch. Những homestay mới mọc lên ở nhiều bản, làng, kéo theo dịch vụ phát triển. Ở các thôn Lao Chải, Choản Thèn, Phìn Hồ, đồng bào Hà Nhì, Mông tích cực giữ gìn bản sắc văn hóa, thành lập đội văn nghệ, chú trọng vệ sinh làng, bản sạch đẹp để đón du khách tới tham quan. Y Tý hiện có hơn 50 lao động trực tiếp và gián tiếp tham gia làm du lịch. Năm 2017, Y Tý đón khoảng 10.000 du khách tới trải nghiệm, khám phá.
Rời Y Tý, chúng tôi đến thăm các xã Mường Hum, Sàng Ma Sáo. Với lợi thế có chợ phiên Mường Hum, làng nghề thủ công kéo bạc của người Dao đỏ, nghề làm hương của người Giáy, năm 2017, xã Mường Hum đón trên 2.000 lượt khách đến tham quan, trong đó có khoảng 300 lượt khách quốc tế. Còn đối với xã Sàng Ma Sáo, năm nay, du lịch có nhiều khởi sắc, khi đón trên 500 lượt khách đến leo núi Ky Quan San, tăng gần 400 lượt khách so với năm 2016. Anh Phạm Văn Tâm, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Sàng Ma Sáo cho biết: Sự kiện Năm Du lịch quốc gia 2017 - Lào Cai - Tây Bắc đã có tác động tích cực đến phát triển du lịch ở địa phương. Du khách đến Sàng Ma Sáo chủ yếu để leo núi, chinh phục đỉnh Ky Quan San và ngắm vẻ đẹp ruộng bậc thang. Cũng nhờ đó, trên 30 lao động lúc nông nhàn có thêm việc làm, thu nhập từ dẫn đường và gùi đồ thuê cho du khách. Năm 2017, Sàng Ma Sáo giảm trên 5% hộ nghèo. Hiện, xã đã thành lập đội văn nghệ dân tộc Mông và đang triển khai xây dựng một homestay phục vụ khách du lịch.
Để du lịch phát triển bền vững
Nhìn vào bức tranh tổng thể dễ dàng nhận thấy, du lịch Bát Xát năm 2017 có nhiều khởi sắc. Một số xã vùng cao trước đây du lịch khá trầm lắng và ít được biết tới, nay đã dần trở thành điểm sáng, thu hút du khách tới tham quan, như các xã Sàng Ma Sáo, Nậm Pung, Dền Sáng, A Mú Sung. Ông Hoàng Công Kiều, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bát Xát phấn khởi cho biết: Năm 2017, huyện Bát Xát đón khoảng 23.000 lượt du khách tới tham quan (tăng 7.000 lượt so với năm 2016), trong đó có trên 500 lượt khách quốc tế. Không những lượt khách tăng, mà thời gian lưu trú cũng tăng, trung bình đạt 1,5 ngày/lượt khách. Bát Xát hiện có 28 cơ sở lưu trú và khoảng 140 lao động trực tiếp và gián tiếp trong lĩnh vực du lịch. Tổng doanh thu từ du lịch 2 năm (2016 - 2017) của huyện đạt 16 tỷ đồng. So với Sa Pa, Bắc Hà thì con số đó còn khiêm tốn, nhưng phần nào cho thấy sức hút của Bát Xát đối với du khách ngày càng lớn, nhất là trong Năm Du lịch quốc gia 2017 - Lào Cai - Tây Bắc.
Hiện nay, cùng với các tuyến, điểm du lịch đã được công nhận và đang thử nghiệm, Bát Xát đang đề nghị tỉnh công nhận một số điểm du lịch mới như đỉnh Lảo Thẩn (Y Tý), cột cờ Lũng Pô (A Mú Sung), đồng thời đề nghị tỉnh đồng ý cho huyện huy động xã hội hóa để trùng tu, nâng cấp Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đền Trịnh Tường. Huyện đang phấn đấu đến năm 2020, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế. Mục tiêu trước mắt là năm 2018 sẽ đón 25.000 lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 11 tỷ đồng. Đến năm 2019, khách đến Bát Xát là 29.000 lượt, tổng doanh thu từ du lịch trên 13 tỷ đồng.
Thực hiện Đề án “Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Bát Xát giai đoạn 2016 - 2020”, trong thời gian tới, Bát Xát tiếp tục quan tâm, làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc, cải tạo cảnh quan để phát triển du lịch. Với đòn bẩy quan trọng là những khởi sắc trong Năm Du lịch quốc gia 2017 - Lào Cai - Tây Bắc, cùng nhiều giải pháp được thực hiện, du lịch Bát Xát đang từng bước khẳng định vị thế và dấu ấn trong lòng du khách.