"Nông nghiệp một lần nữa được kêu gọi sẽ thay đổi mạnh mẽ khi các tiến bộ của cuộc Cách mạng Xanh chống lại vấn đề hạn chế các nguồn tài nguyên thiên nhiên" – ông Graziano da Silva nêu rõ. "Nông nghiệp của ngày mai sẽ không đòi hỏi nhiều đầu vào mà đặc biệt là rất nhiều kiến thức. Đây là mô hình mới”.
Theo Tổng giám đốc FAO, trong những thập kỷ gần đây, sản xuất lương thực đã làm tăng chi phí môi trường, dẫn đến nạn phá rừng, thiếu nước, cạn kiệt đất và lượng phát thải khí nhà kính rất cao. Trong khi đó, các hệ thống thực phẩm hiện nay tỏ ra không hiệu quả trong việc xóa đói giảm nghèo trên toàn thế giới. Mặc dù sản xuất hiện tại quá đủ để nuôi sống dân số thế giới song 800 triệu người vẫn bị suy dinh dưỡng.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm tất cả mọi người đều có quyền tiếp cận thực phẩm, ông Graziano da Silva lưu ý rằng các chương trình bảo trợ xã hội, như chuyển tiền mặt phối hợp điều kiện và tận dụng tối đa việc sản xuất ở địa phương để nâng cao chất lượng dinh dưỡng và tiếp cận thị trường cho nông dân nhỏ cần phải là một phần của mọi sáng kiến nhằm ngăn ngừa cuộc sống của người nghèo ở nông thôn trong các nước đang phát triển trở nên tồi tệ hơn.
Theo chuyên gia của FAO, chúng ta cần thúc đẩy đổi mới và đưa ra thực tiễn bền vững cung cấp thực phẩm bổ dưỡng và dễ tiếp cận, các dịch vụ hệ sinh thái và góp phần vào việc xây dựng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Điều này bao gồm giảm sử dụng thuốc trừ sâu và hóa chất trong nông nghiệp, cải thiện đa dạng hóa cây trồng và cải thiện các thực tiễn bảo tồn đất đai. "Để cung cấp cho người dân thức ăn lành mạnh hơn, chúng ta cần an thiệp vào mọi giai đoạn của hệ thống lương thực, từ sản xuất đến tiêu dùng" – ông Graziano da Silva nêu rõ. "Điều này đồng nghĩa với việc tập trung vào các khía cạnh mềm của các hệ thống thực phẩm như hành vi của người tiêu dùng và áp dụng các luật mới điều chỉnh việc quảng cáo các sản phẩm thực phẩm".
Bên cạnh đó, thiệt hại và lãng phí thực phẩm cũng là một chủ đề cần thiết phải can thiệp. Theo FAO, 1/3 lượng thực phẩm được sản xuất trên toàn thế giới bị mất hoặc lãng phí mỗi năm, gây ra phát thải khí nhà kính và tác động tiêu cực đến tài nguyên thiên nhiên; trong khi lượng thực phẩm này là quá đủ để đáp ứng nhu cầu của dân số thế giới vào năm 2050.
Tổng giám đốc FAO lưu ý rằng thiệt hại do nghề cá tại Tây Phi có thể lên đến 2/3 sản lượng. "Chúng ta cần phải đầu tư nhiều hơn" – ông nói thêm, đồng thời lưu ý rằng một cách tiếp cận toàn diện để giảm tổn thất thực phẩm và lãng phí có thể giúp đạt được nhiều mục tiêu phát triển bền vững./.