Việt Nam khẳng định cần xây dựng tầm nhìn cho một ASEM có trách nhiệm và thúc đẩy hợp tác đa phương

Sáng 20/11, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 13 của Diễn đàn Hợp tác Á – Âu (ASEM) đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Nay Pyi Taw, Myanma.

Tham dự có Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn của 53 thành viên ASEM, gồm 21 quốc gia châu Á, 30 quốc gia châu Âu và Liên minh châu Âu (EU) cùng Ban Thư ký ASEAN. Đoàn đại biểu Việt Nam do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu tham dự hội nghị.

Các Ngoại trưởng chụp ảnh chung tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEM lần thứ 13, ngày 20/11. Nguồn: AFP/TTXVN                    

Phát biểu khai mạc hội nghị, Cố vấn quốc gia, Bộ trưởng Ngoại giao Myanma Aung San Suu Kyi (Oong Xan Xu Chi) khẳng định ASEM là một cơ chế hợp tác, đối thoại hàng đầu giữa hai châu lục. Với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững”, hội nghị sẽ đề ra những định hướng, tầm nhìn của hợp tác ASEM trong thập niên thứ ba với các biện pháp cụ thể thúc đẩy hợp tác trên cả 3 trụ cột là đối thoại chính trị, hợp tác kinh tế và hợp tác trên các lĩnh vực khác. Trong các phát biểu tiếp theo, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh, Trưởng đoàn của các thành viên điều phối Philippines, Pakistan và Estonia đều cho rằng cần tiếp tục tăng cường hợp tác đưa quan hệ đối tác Á – Âu đi vào chiều sâu và hiệu quả trong thập kỷ mới. Các bộ trưởng cũng dành thời gian lắng nghe đại diện thanh niên Á – Âu trình bày về tầm nhìn cho hợp tác ASEM thời gian tới.

Sau lễ khai mạc, hội nghị đã tiến hành phiên họp toàn thể thứ nhất về “Gắn kết hài hòa giữa hòa bình và phát triển bền vững”. Hội nghị nhất trí tăng cường đối thoại và hợp tác duy trì hòa bình và ổn định ở hai khu vực và trên thế giới, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và trật tự thế giới công bằng và dân chủ trên cơ sở các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; đẩy mạnh hợp tác giải quyết các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống. Các bộ trưởng khẳng định cần tiếp tục phối hợp chính sách, thúc đẩy thương mại và đầu tư, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ với vai trò trung tâm của Tổ chức Thương mại thế giới; hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; thúc đẩy tăng trưởng bền vững, bao trùm và cân bằng. Các bộ trưởng cũng cam kết đẩy mạnh triển khai Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, trong đó chú trọng hỗ trợ tài chính, giảm nghèo, ứng phó biến đổi khí hậu, thiên tai, thúc đẩy hợp tác Mekong – Danube về quản lý nguồn nước, chuyển giao công nghệ và xây dựng năng lực cho các nước đang phát triển, tăng cường sự đóng góp của thanh niên, phụ nữ và doanh nghiệp.

Phát biểu dẫn đề tại phiên toàn thể thứ nhất, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, cục diện khu vực và quốc tế tiếp tục chuyển biến nhanh chóng và phức tạp hơn. Kinh tế thế giới phục hồi vững chắc hơn, song vẫn tiềm ẩn rủi ro, chủ nghĩa bảo hộ có chiều hướng gia tăng, liên kết kinh tế ở nhiều khu vực bị chậm lại, quan ngại về hệ lụy của tiến trình chuyển đổi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các mối đe dọa do xung đột và căng thẳng khu vực, chủ nghĩa khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh hàng hải, an ninh mạng, bất bình đẳng, di cư, thiên tai đặt ra cấp bách hơn. Phó Thủ tướng cho rằng bước vào thập kỷ thứ ba, ASEM đứng trước thời khắc chuyển đổi quan trọng, cần tiếp tục đổi mới và khẳng định vị thế của mình trong cấu trúc toàn cầu đang định hình và đây là lúc ASEM cần xây dựng tầm nhìn cho một ASEM có trách nhiệm và có khả năng thích ứng, đi đầu thúc đẩy hợp tác đa phương. 

Theo đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề xuất châu Á và châu Âu cần tiếp tục đi đầu duy trì hòa bình và ổn định thế giới, thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế. Hai châu lục cũng cần tiên phong trong triển khai các Mục tiêu phát triển bền vững 2030, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm, giảm nghèo, kết nối toàn diện và chất lượng, phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai, quản lý bền vững các nguồn tài nguyên, an ninh lương thực – nguồn nước – năng lượng. ASEM cũng cần tiếp tục ủng hộ quản trị kinh tế toàn cầu công bằng và cân bằng, hệ thống thương mại đa phương mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ, trao đổi các vấn đề thương mại và đầu tư thế hệ mới, phát triển các chuỗi giá trị và cung ứng toàn cầu, tăng cường sự sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa…

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định cam kết của lãnh đạo các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC) tại hội nghị cấp cao năm 2017 ở Đà Nẵng vừa qua về tự do thương mại và đầu tư, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội, xây dựng tầm nhìn APEC sau năm 2020, triển vọng hoàn tất Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương toàn diện và tiến bộ (CPTPP), khẳng định xu thế hòa bình, ổn định, hội nhập kinh tế và phát triển bền vững ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và tạo thêm động lực cho tăng cường quan hệ đối tác Á – Âu. Về phần mình, Việt Nam cam kết tiếp tục chủ động đóng góp vào nỗ lực của ASEM. Phó Thủ tướng đánh giá cao sự ủng hộ của các thành viên đối với sáng kiến của Việt Nam về tổ chức “Hội nghị ASEM về cùng hành động ứng phó biến đổi khí hậu nhằm đạt các Mục tiêu phát triển bền vững” năm 2018.

Tại phiên toàn thể thứ hai về“Thúc đẩy quan hệ đối tác ASEM năng động và gắn kết hơn trong thập niên thứ ba của hợp tác” vào chiều 20/11, hội nghị khẳng định thúc đẩy quan hệ đối tác mạnh mẽ và năng động hơn giữa châu Á và châu Âu trong khi vẫn giữ vững các giá trị cốt lõi và các nguyên tắc của ASEM về bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi. Hội nghị dành thời gian trao đổi sâu về vấn đề kết nối, nhất trí kết nối là một nội hàm quan trọng của hợp tác ASEM, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác Á – Âu trong nỗ lực ứng phó với các thách thức toàn cầu và phát triển bền vững. Các bộ trưởng nhất trí tăng cường hợp tác kết nối trên cả 3 phương diện hạ tầng cơ sở, thể chế và con người, đặc biệt là thương mại, đầu tư, giao thông vận tải, kết nối số, giao lưu nhân dân, giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, du lịch. Hội nghị hoan nghênh đề xuất của Nhóm Công tác ASEM về kết nối, trong đó xác định các lĩnh vực ưu tiên và lộ trình triển khai để trình lên Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 12 vào năm tới.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 13 sẽ tiếp tục tiếp tục trong ngày 21/11, tập trung trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm./.

Theo TTXVN

Tin Liên Quan

Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết yêu cầu Mỹ chấm dứt cấm vận Cuba

Tại kỳ họp lần này của Đại hội đồng, hơn 30 tham luận đã bày tỏ phản đối cuộc chiến kinh tế của Mỹ chống lại Cuba, đồng thời bác bỏ việc đưa Cuba vào danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố.

Tổng thống Venezuela chuyển thông điệp cảm ơn đến lãnh đạo Việt Nam

Tổng thống Maduro cho biết nhận lời mời của Tổng Bí thư Tô Lâm cũng như đáp lại tình cảm của các lãnh đạo chủ chốt Việt Nam, ông sẽ sớm thăm lại Việt Nam nhằm tiếp tục tăng cường quan hệ.

Tỉnh Miyagi của Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả bão lũ

Ngày 31/10, Chủ tịch Hiệp hội Giao lưu Nhật-Việt tỉnh Miyagi, ông Atsushi Kamada đến Ðại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản trao quà hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả của bão số 3 (tên quốc tế là Yagi), trị giá 1 triệu yen (hơn 170 triệu đồng).

Tuyên bố chung Việt Nam-UAE về nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện

Nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), lãnh đạo cấp cao Việt Nam và UAE nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Toàn diện vào ngày 28/10/2024. Báo Nhân Dân trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ...

Di sản tư liệu thế giới - nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy hiểu biết và hợp tác quốc tế

Từ ngày 28-29/10/2024, tại Trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ở Paris (Cộng hòa Pháp) đã diễn ra Hội nghị quốc tế về Chương trình Ký ức thế giới (MOW) và Diễn đàn chính sách toàn cầu lần thứ 4 về Di sản tư liệu.

Hợp tác quốc tế về chuyển đổi xanh

Kết thúc các cuộc thảo luận ở thủ đô Washington (Mỹ), các bộ trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) một lần nữa khẳng định quyết tâm đẩy mạnh quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch.