Việt Nam chung sức hiện thực hóa tầm nhìn Cộng đồng ASEAN
Nhận lời mời của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31 (ASEAN-31) và các Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 (với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) lần thứ 20, Cấp cao ASEAN+1 (với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Canada, Liên minh châu Âu, Liên Hợp Quốc) và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 12 tại Manila, Philippines, từ ngày 12-14/11/2017.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 9 và Hội nghị các nhà lãnh đạo Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, xu hướng bảo hộ gia tăng và các thách thức xuất hiện ngày một nhiều, Hội nghị lần này sẽ nhấn mạnh việc củng cố, tăng cường đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hẹp khoảng cách phát triển và nâng cao năng lực của Cộng đồng ASEAN. Điều này nhằm thực hiện một ASEAN tự cường, phục vụ lợi ích của người dân các nước thành viên và bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN và các Hội nghị Cấp cao giữa ASEAN với các đối tác lần này, lãnh đạo các nước ASEAN sẽ tập trung thảo luận về phương hướng và biện pháp tăng cường liên kết, hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Từ đó, truyền đi thông điệp về một ASEAN hòa bình, ổn định và tự cường; một khu vực rộng mở với bên ngoài trong cộng đồng các quốc gia toàn cầu. Các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Là thành viên tích cực của ASEAN, Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này và các Hội nghị Cấp cao liên quan với tinh thần đoàn kết ASEAN, phát huy vai trò trung tâm của Hiệp hội, mở rộng và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác ASEAN, kiến tạo môi trường thuận lợi cho phát triển bền vững của từng nước và của cả khu vực. Đồng thời, nâng cao hình ảnh Việt Nam tiếp tục đổi mới, tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm vào các nội dung hợp tác khu vực, từ đó bảo vệ hiệu quả các lợi ích của Việt Nam.
Theo dự kiến, 55 văn kiện sẽ được ký, thông qua tại các Hội nghị, trong đó các nhà lãnh đạo sẽ ký 1 văn kiện, thông qua 25 văn kiện và ghi nhận 20 văn kiện khác; Philippines sẽ ban hành 9 Tuyên bố Chủ tịch các Hội nghị Cấp cao.
Nhìn lại quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, đến nay Hiệp hội đã đạt nhiều kết quả tích cực và khả quan, thể hiện ở tiến độ cam kết trong Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các Kế hoạch tổng thể đi kèm. Trong đó, về chính trị-an ninh thì 223/290 dòng hành động, chiếm 77% đang được triển khai. Về kinh tế, ASEAN giữ được mức tăng trưởng ổn định 5% năm 2017, thương mại nội khối đạt 23,1%, hiện dần triển khai lần lượt 118 lĩnh vực ưu tiên được cụ thể hóa từ Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
ASEAN cũng đã xác định được danh mục các vấn đề liên ngành, liên trụ cột cần được thúc đẩy, bao gồm phòng chống mua bán người, an ninh và hợp tác biển, chống khủng bố, an ninh mạng, gìn giữ và kiến tạo hòa bình hậu xung đột, nhân quyền, chống ma túy, tội phạm môi trường, chống rửa tiền…
Tầm nhìn ASEAN 2025 được gắn kết với Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững cũng cho thấy ASEAN đang nỗ lực vươn ra bên ngoài, phấn đấu trở thành thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế.
Năm 2017, ASEAN tổ chức trọng thị các hoạt động kỷ niệm 50 năm thành lập, góp phần nâng cao nhận thức người dân về ASEAN, cũng như hình ảnh và uy tín trên trường quốc tế.