Quốc hội thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018
Với 84,93% đại biểu tán thành, sáng 10/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.Về mục tiêu tổng quát, Nghị quyết nêu rõ là: Tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện 3 đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh.
Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển hiệu quả thị trường khoa học công nghệ; khuyến khích đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã kiểu mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cải thiện đời sống nhân dân, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế; thúc đẩy bình đẳng giới; thực hiện dân chủ và công bằng xã hội.
Ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu; chủ động phòng, chống thiên tai; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; giữ môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.
Các chỉ tiêu chủ yếu được xác định là: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,5-6,7%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8%, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%, tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1-1,3%, riêng các huyện nghèo giảm 4%, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%, số giường bệnh trên một vạn dân đạt 26 giường (không tính giường trạm y tế xã), tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 85,2%...
Từ mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu, Nghị quyết đã đề ra 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là về ngân sách Nhà nước, vốn đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu, cán cân thanh toán, an ninh lương thực và năng lượng, lao động, việc làm, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế.
Tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô, bảo đảm thanh khoản, kiểm soát chặt chẽ và nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống, nhất là tín dụng cho vay thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán.
Tăng cường kỷ luật tài chính-ngân sách; tạo chuyển biến rõ nét trong xử lý nợ đọng tiền sử dụng đất, chống thất thu, trốn thuế, nợ đọng thuế, gian lận chuyển giá, vi phạm pháp luật thuế, phí, lệ phí, thực hiện hóa đơn điện tử; thẩm định chặt chẽ các dự án, nâng cao hiệu quả đầu tư; triệt để tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước và sử dụng tài sản công, xe công. Cơ cấu lại ngân sách Nhà nước theo hướng tăng dần tỷ trọng thu nội địa, tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, bảo đảm chi an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và quốc phòng, an ninh.
Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa; có giải pháp phù hợp khuyến khích hộ kinh doanh cá thể thành lập doanh nghiệp; khuyến khích phát triển khu vực kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh.
Đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa nội địa, bảo vệ sản xuất trong nước, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tạm nhập, tái xuất, quá cảnh... để buôn lậu. Tập trung phát triển thị trường bán lẻ, xây dựng mạng lưới phân phối theo chuỗi giá trị cho các sản phẩm trong nước; xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam.
Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ kịp thời cho người dân vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất; chủ động đầu tư nâng cấp, bảo đảm an toàn các công trình xung yếu; triển khai đề án điện lưới nông thôn đúng tiến độ.
Xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong xây dựng pháp luật và thực thi công vụ. Chủ động phối hợp giữa các cấp, các ngành, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính công, giảm thời gian thực hiện thủ tục, cắt giảm chi phí hoạt động, nhất là chi phí giao dịch không chính thức của doanh nghiệp và người dân, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.
Giữ vững độc lập, chủ quyền, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Thực hiện hiệu quả công tác đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế. Chủ động đánh giá, phân tích dự báo tình hình thế giới và khu vực để có chủ trương, đối sách phù hợp, nhất là các vấn đề biên giới, biển đảo, an ninh phi truyền thống, an ninh mạng, an ninh nông thôn.