Dấu ấn Việt Nam trong hai lần đăng cai APEC
Từ “Tuyên bố Hà Nội”…
"Việt Nam, một quốc gia nhỏ bé tại Đông Nam Á có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực, đã tự mình giành thắng lợi để trở thành thành viên của WTO và vượt qua mọi rào cản để tổ chức Hội nghị APEC thành công một cách phi thường...", đó là nhận định của tờ FPIF sau Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 14 tại Hà Nội vào năm 2006.
Việt Nam đã sẵn sàng tạo dấu ấn tại tuần lễ cấp cao APEC 2017 diễn ra tại Đà Nẵng. |
Không chỉ riêng hãng truyền thông lớn này, dư luận quốc tế đều cho rằng, với sự thành công ngoài mong đợi của Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 14 và Năm APEC 2006, Việt Nam đã tôn vinh đậm nét hình ảnh của một thành viên năng động, đang trên đà phát triển mạnh mẽ, đồng thời mở ra cơ hội mới cho nền kinh tế toàn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Với chủ đề chính thức của Hội nghị các nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC 2006 là "Hướng tới một cộng đồng năng động vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng", các ý tưởng mà Việt Nam nêu ra vì sự phát triển của APEC đều được các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên nhất trí thông qua.
Cụ thể, các nhà lãnh đạo APEC lần thứ 14 đã thông qua Tuyên bố Hà Nội, trong đó đề ra phương hướng hợp tác của APEC trên tất cả các lĩnh vực và phê chuẩn Kế hoạch Hành động Hà Nội nhằm thực hiện Lộ trình Busan hướng đến Mục tiêu Bogor.
Các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC đánh giá cao ý nghĩa và nội dung bản Kế hoạch Hành động Hà Nội - một sáng kiến của Việt Nam, cho rằng đây là cơ sở mang tính định hướng cho các hoạt động hợp tác kinh tế thương mại của APEC trong nhiều năm, góp phần tăng cường và hoàn thiện các cơ chế hợp tác của APEC. Sau 11 năm nhìn lại, có thể nói rằng, Kế hoạch Hành động Hà Nội đã trở thành một điểm nhấn đậm nét của APEC 2006. Mỗi khi nói đến Lộ trình Busan và Mục tiêu Bogor, cái tên Việt Nam lại được các thành viên nhắc tới với Kế hoạch Hành động Hà Nội.
Trong khuôn khổ năm APEC 2006, Việt Nam, một thành viên gia nhập diễn đàn chưa đầy 8 năm đã mạnh dạn đưa ra phương hướng cải cách APEC, nhằm thúc đẩy các hoạt động của APEC có sức sống ngày càng mạnh mẽ và hoạt động hiệu quả, thực chất hơn.
Trên thực tế, ý tưởng về cải cách APEC đã được đưa ra 6 năm trước khi APEC 2006 diễn ra, song chưa được thực hiện triệt để và nêu bật ý nghĩa. Với vai trò chủ nhà, Việt Nam tiếp tục nêu sáng kiến này và được các thành viên hoan nghênh. Đây là kết quả có ý nghĩa chiến lược đối với tương lai phát triển của APEC trong bối cảnh quốc tế mới. Bởi vậy, APEC 2006 tại Việt Nam được đánh giá là APEC bắt đầu sự cải cách.
Tình cảm, lòng mến khách, tính nhân văn của con người Việt Nam thông qua cách đón tiếp, tổ chức hội nghị cả về nội dung và hình thức chính cũng là dấu ấn mà Việt Nam lưu giữ trong lòng các vị khách quý. Khi Tổng thống thứ 43 của Mỹ George W. Bush thăm chính thức Việt Nam và dự Hội nghị Cấp cao APEC 2006, Mỹ rất lo ngại về vấn đề an ninh. Mỹ đưa ra nhiều yêu cầu để bảo vệ ông Bush: Chặt cây quanh khu vực khách sạn nơi ông Bush ở để tiện cho nhân viên an ninh của họ quan sát; cho máy bay trực thăng theo đoàn xe của Tổng thống…
Thế nhưng, trước sự chào đón của hàng ngàn người, khắp nơi là hoa và những nụ cười, ông Bush đã không ngại ngần kéo thấp cửa xe xuống để vẫy chào mọi người hai bên đường. Điều đó chứng tỏ ông Bush đã trút bỏ hết lo lắng. Bản thân Tổng thống Bush đã bày tỏ ấn tượng ở Việt Nam, ai cũng vui vẻ hoan nghênh ông. Việt Nam đã cho thấy hình ảnh một dân tộc cởi mở, hữu nghị, chân thành và mong muốn thúc đẩy hội nhập với thế giới.
… đến động lực mới vun đắp tương lai
Từ những kinh nghiệm thực tế trong việc đăng cai tổ chức Năm APEC 2006, Việt Nam đã chủ động đề xuất và tích cực tranh thủ sự ủng hộ của các thành viên đối với việc lần thứ hai đăng cai các hoạt động của APEC. Tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 21 ở Bali (Indonesia) vào tháng 10-2013, Việt Nam chính thức được tín nhiệm tổ chức Năm APEC 2017 với vai trò chủ nhà.
Việc một lần nữa đăng cai APEC đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của Việt Nam về tương lai Châu Á-Thái Bình Dương và là minh chứng rõ ràng nhất cho sự tin cậy và tín nhiệm cao của các nền kinh tế thành viên cũng như cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam.
Trong lần này, Việt Nam kỳ vọng đóng góp thiết thực hơn vào sự phát triển của tiến trình APEC, làm cho hợp tác giữa các thành viên ngày càng thực chất và hiệu quả hơn. Trước những thách thức đan xen đối với quá trình phát triển, Việt Nam tự tin thúc đẩy hợp tác trong APEC thông qua tìm kiếm động lực mới để đẩy nhanh tăng trưởng bền vững và làm sâu rộng liên kết khu vực.
Năm APEC 2017 diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có những biến động phức tạp, chủ nghĩa bảo hộ đã trỗi dậy ở một số nền kinh tế thành viên và đang trở thành rào cản đối với quá trình tự do thương mại và liên kết kinh tế trong khu vực, APEC thực sự cần một động lực mới cho tăng trưởng và phát triển bền vững, đem lại lợi ích cho tất cả các nền kinh tế APEC.
Chính vì vậy, chủ đề APEC 2017 “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” rất phù hợp với yêu cầu hiện nay và nhận được sự đồng thuận mạnh mẽ. Bên cạnh đó, APEC đang trong quá trình phấn đấu hoàn thành Mục tiêu Bogor về tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại - đầu tư vào năm 2020, cũng như xác định viễn cảnh cho APEC về việc thành lập Khu vực tự do thương mại Châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP).
Bởi vậy, dấu ấn Việt Nam trong lần đăng cai này cũng chính là việc cùng các thành viên APEC chuyển hóa ý tưởng, nội hàm gắn với chủ đề, các ưu tiên APEC 2017 thành nỗ lực thúc đẩy việc hoàn thành các Mục tiêu Bogor, chung tay bước vào xây dựng tầm nhìn APEC sau 2020. Không kém phần quan trọng là việc đề xuất các sáng kiến giúp người dân và doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí doanh nghiệp siêu nhỏ được tạo điều kiện tối đa cơ hội tiếp cận, kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu.
Năm 2017 cũng là năm đầu tiên mà các nhà lãnh đạo APEC nhất trí tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa trong khuôn khổ hợp tác APEC. Với Việt Nam, thật trùng hợp khi 2017 cũng là năm Việt Nam là chủ nhà APEC, phù hợp với chủ trương và những nỗ lực của Việt Nam trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam, thể hiện truyền thống nhân văn, giá trị văn hóa của Việt Nam.
APEC là diễn đàn liên kết kinh tế nhưng rõ ràng trong thời đại kết nối, thế giới phẳng như hiện nay thì văn hóa và con người rất quan trọng. Gắn kết con người giữa các nền kinh tế với nhau, hiểu văn hóa của nhau hơn, từ đó thúc đẩy triển khai hợp tác kinh tế hiệu quả hơn là hướng đi của Việt Nam trong năm đăng cai APEC 2017.