Hợp tác xã Mông Cát Cát: Phát huy thế mạnh của địa phương để làm du lịch
Với quyết tâm tạo ra những sản phẩm du lịch chất lượng, đem lại thu nhập cho người dân, trong những năm qua, Hợp tác xã Mông Cát Cát, xã San Sả Hồ (Sa Pa) đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm độc đáo từ thảo dược của địa phương.Cảm nhận của chúng tôi khi đến Hợp tác xã Mông Cát Cát là sự gần gũi với thiên nhiên, mang đậm chất truyền thống của người Mông. Dường như ở bất cứ nơi nào trong hợp tác xã cũng phảng phất hương thơm của các loại thảo dược; từ lối đi, tủ đựng các sản phẩm đến bếp, sân... đều có các loại cây dược liệu địa phương. Kể về quá trình hình thành của hợp tác xã, anh Má A Nủ, sinh năm 1994, Chủ nhiệm Hợp tác xã cho biết: Năm 2013, một xã viên của hợp tác xã ấp ủ xây dựng lại nghề chiết xuất tinh dầu Chùa dù, Màng tang làm sản phẩm du lịch. Sau khi nhận được sự giúp đỡ của Huyện đoàn Sa Pa, chính quyền xã San Sả Hồ, nhóm chiết xuất tinh dầu gồm 5 đoàn viên là dân tộc Mông được thành lập. Công đoạn chiết xuất tinh dầu Chùa dù và Màng tang thời gian này hoàn toàn làm thủ công, theo phương pháp chiết xuất hơi nước. Sản phẩm khi đưa ra thị trường được du khách ưa chuộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Khách du lịch tham quan khu trưng bày và giới thiệu sản phẩm của Hợp tác xã Mông Cát Cát. |
Từ những thành công bước đầu, năm 2014, Hợp tác xã Mông Cát Cát được thành lập với 14 xã viên là đoàn viên, thanh niên địa phương. Với sự hỗ trợ của Quỹ Khuyến công Lào Cai, hợp tác xã đã đầu tư thiết bị hiện đại trị giá 300 triệu đồng, giúp việc chiết xuất tinh dầu đạt chất lượng và tiện lợi hơn. Bên cạnh đó, việc quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, cuộc thi sở hữu trí tuệ cũng được hợp tác xã đẩy mạnh. Bao bì, mẫu mã sản phẩm được thiết kế bắt mắt, mang đậm bản sắc văn hóa Mông và thân thiện với môi trường. Trong quá trình phát triển, hợp tác xã đã nghiên cứu nhiều loại thảo dược của địa phương để đưa ra các sản phẩm mới. Đến nay, hợp tác xã có 3 nhóm sản phẩm chính là tinh dầu thiên nhiên các loại, muối ngâm chân thảo dược, xà phòng tự nhiên. Để đảm bảo chất lượng cũng như chủ động nguyên liệu, hợp tác xã đã trồng 2 ha cây dược liệu…
Hiện nay, thị trường các sản phẩm dược liệu của Hợp tác xã Mông Cát Cát đã từng bước được mở rộng ramột số tỉnh, thành phố Hà Nội, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương… riêng thị trấn Sa Pa có 3 điểm. Trung bình mỗi năm, hợp tác xã đưa ra thị trường 100 lít tinh dầu, 3 tấn muối ngâm chân thảo dược, 3 tấn xà phòng, thu nhập trung bình của xã viên trên 5 triệu đồng/người/tháng. Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, anh Má A Nủ, Chủ nhiệm Hợp tác xã Mông Cát Cát cho biết: Hợp tác xã sẽ mở rộng quy mô sản xuất, cũng như nghiên cứu và cho ra nhiều sản phẩm, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch ở Sa Pa.
Ông Sùng A Sình, Phó Chủ tịch UBND xã San Sả Hồ nhận xét: Địa phương đánh giá cao nỗ lực của Hợp tác xã Mông Cát Cát trong việc bảo tồn các loại dược liệu quý của địa phương, cũng như tạo việc làm cho đoàn viên. Hợp tác xã Mông Cát Cát đã được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua toàn diện năm 2016.