Phát biểu tại một cuộc họp không chính thức của Đại hội đồng Liên hợp quốc để xem xét việc thực hiện MDGs, bà Mohammed nhấn mạnh sự tham gia nhiệt tình trong Diễn đàn chính sách cấp cao về phát triển bền vững gần đây, việc công bố đánh giá quốc gia và cam kết đóng góp tự nguyện của các chính phủ thành viên chính là những dấu hiệu rõ nét và kiên quyết khẳng định sự tham gia của họ vào quá trình thực hiện MDGs.
"Tuy nhiên, đánh giá của chúng tôi rõ ràng cho thấy tốc độ tiến bộ là không đủ" – bà nói thêm, đồng thời lưu ý tiến bộ đã không đồng đều giữa các vùng, giới tính, lứa tuổi và các cộng đồng. Đặc biệt, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh tình trạng nghèo đói dai dẳng cũng như khoảng cách về giới vẫn là thách thức lớn. Theo quan điểm của bà Mohammed, các công nghệ mới nên được sử dụng để giải quyết vấn đề này. Bà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đối với sự thành công của Chương trình Phát triển Bền vững vào năm 2030.
Ngoài ra, phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Peter Thomson cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác và triển khai các nguồn lực, chuyên môn và công nghệ trên quy mô rộng hơn để đạt được các mục tiêu toàn cầu. "Có khả năng, chúng ta có đủ nguồn dự trữ để vượt xa những mục tiêu này" – ông nói. "Do đó, vấn đề là phải triển khai, thu thập các lực lượng của chúng ta, về mặt đạo đức cũng như thực tiễn, để thực hiện các nhiệm vụ phải hoàn thành với tinh thần bao dung và phổ quát".
Kêu gọi những nỗ lực lớn hơn để đạt được Chương trình 2030, ông Thomson tuyên bố: "Chúng ta hiện cần thay đổi tốc độ. Đã đến lúc phải tăng tốc vì thời gian không chờ đợi chúng ta". Theo Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, chúng ta có các nguồn lực, ý tưởng, công nghệ và động lực. Vì vậy, hãy thêm sự lãnh đạo, lòng dũng cảm và cam kết bền vững để đạt được tiến bộ và chúng ta sẽ đạt được mục đích vào năm 2030./.