3 đặc khu sẽ có môi trường kinh doanh ‘đặc biệt thuận lợi’

Dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ tạo môi trường đầu tư kinh doanh đặc biệt thuận lợi cho 3 đặc khu Vân Đồn, Phú Quốc và Bắc Vân Phong, trước hết là thu hẹp ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đang rất được quan tâm khi ngày 22/8 vừa qua, Chính phủ đã đưa dự án Luật vào phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật. Trước đó, ngày 2/8, Thường trực Chính phủ cũng đã có cuộc họp riêng để thảo luận về dự án Luật này. Mới nhất, trong các ngày 25-26/8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ  đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và trực tiếp thị sát tại đặc khu tương lai Vân Đồn.

Huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: halong.gov.vn

Dự thảo Luật có 6 Chương với 76 Điều và 5 Phụ lục, gồm các nội dung áp dụng chung và các nội dung áp dụng riêng đối với ba đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

8 nhóm chính sách

Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan soạn thảo cho biết, để bảo đảm các chính sách ưu đãi về kinh tế-xã hội vượt trội so với các chính sách áp dụng đối với các mô hình khu kinh tế trong nước, đủ sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế, dự thảo Luật quy định cụ thể nội dung chính sách đặc thù trên một số lĩnh vực như đầu tư kinh doanh, đất đai, xây dựng, đấu thầu, môi trường, thương mại, mở cửa thị trường, lao động theo hướng đơn giản tối đa thủ tục và tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.

Theo đó, các chính sách kinh tế-xã hội đối với đặc khu được phân thành 8 nhóm. Trong đó, nhóm đầu tiên là xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh đặc biệt thuận lợi, trước hết là thu hẹp ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Theo dự thảo trình Chính phủ ngày 22/8, dự án Luật chỉ giữ lại 100 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, giảm rất mạnh so với 243 ngành nghề so với Phụ lục 4 của Luật Đầu tư.

Cùng với đó, xây dựng thủ tục đầu tư kinh doanh thuận lợi và bảo đảm chính quyền Đặc khu được phân cấp, phân quyền thuận lợi cho việc cung cấp dịch vụ hành chính “một cửa tại chỗ” như được áp dụng tại các đặc khu kinh tế của các nước Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, UAE.

Cụ thể như chỉ quy định việc đăng ký đầu tư kinh doanh đối với nhà đầu tư theo trình tự, thủ tục đăng ký đầu tư đơn giản nhất; không thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ và UBND cấp tỉnh như quy định tại Luật Đầu tư; không thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án PPP và dự án đầu tư ra nước ngoài (Điều 15 dự thảo Luật).

Cùng với đó, điều chỉnh một số nội dung đã được quy định tại Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng, Luật Đầu thầu còn có sự khác biệt và được xác định là những điểm nghẽn cấp bách cần giải quyết để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh...

Cũng đáng lưu ý là quy định nhà đầu tư được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng đầu tư, thương mại, dân sự có yếu tố nước ngoài được thỏa thuận với tổ chức, cá nhân có trụ sở chính hoặc nơi cư trú tại đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt theo quy định của Bộ luật Dân sự, trừ quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 670.

Chính sách cao hơn, vượt trội

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định so sánh 9 nhóm tiêu chí (chính sách về phát triển kết cấu hạ tầng; đầu tư kinh doanh; dịch vụ hỗ trợ đầu tư; ưu đãi đầu tư; đất đai; lao động; giải quyết tranh chấp; thu hút ngoại kiều; xuất nhập cảnh) cho thấy nội dung quy định tại dự thảo Luật cao hơn, vượt trội và thuận lợi hơn so với quy định hiện hành áp dụng đối với khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao.

Trong lĩnh vực về xuất, nhập khẩu và phân phối hàng hóa, dự án Luật mở hơn so với các cam kết quốc tế về mở cửa thị trường của Việt Nam khi gia nhập WTO và các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (BIT), thương mại tự do (FTA) với một số quốc gia và vùng lãnh thổ.

Các chính sách của dự án Luật cũng  hầu hết cao hơn, thuận lợi hơn và tương đương so với các đặc khu kinh tế, khu kinh tế tự do tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Myanmar.

Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến tại phiên họp để hoàn thiện dự án Luật, bảo đảm các quy định của Luật được xây dựng sẽ tạo lập được môi trường thông thoáng, các quy định có tính vượt trội, có sự khác biệt,… cho hoạt động động đầu tư và phát triển của các Đơn vị.

Thủ tướng yêu cầu việc tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật phải được thực hiện khẩn trương, bảo đảm đúng tiến độ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như trình ra Quốc hội.

Trước đó, chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ thảo luận về dự án Luật, Thủ tướng nhất trí việc cần tạo lập khung thể chế vượt trội, vượt trên các luật hiện hành, có chính sách đặc thù trên tinh thần kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, chính sách mở cửa thị trường, giảm thiểu việc áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh tại đặc khu…

Vì sao các đặc khu thành công và thất bại?

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, qua nghiên cứu cho thấy thành công của các đặc khu kinh tế tại một số nước dựa vào các yếu tố, điều kiện như sau: Luật điều chỉnh riêng cho đặc khu kinh tế; vị trí chiến lược; chiến lược và mục tiêu phát triển rõ ràng; môi trường đầu tư kinh doanh và chính sách ưu đãi cạnh trạnh quốc tế; hỗ trợ đầu tư của Chính phủ; bộ máy quản lý hành chính tinh gọn và hiệu quả.

Ngoài ra, các nghiên cứu cũng chỉ ra những yếu tố dẫn đến sự không thành công của một số đặc khu kinh tế trên thế giới, bao gồm: Vị trí không thuận lợi dẫn đến các chi phí đầu tư lớn; các chính sách thiếu tính cạnh tranh; chính sách lao động cứng nhắc; kết cấu hạ tầng của các đặc khu kinh tế chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư; sự phối hợp không chặt chẽ giữa doanh nghiệp và chính phủ trong phát triển hạ tầng cho đặc khu kinh tế; giá thuê và các dịch vụ mang tính bao cấp; mô hình quản lý và tổ chức bộ máy cồng kềnh.

Theo Hà Chính/baochinhphu.vn

Tin Liên Quan

Thủ tướng: Việt Nam bảo đảm cho các nhà đầu tư yên tâm hoạt động với tầm nhìn trăm năm

Sáng 30/10, tại Thủ đô Riyadh, Saudi Arabia, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Sulaiman AIRumaih, Giám đốc Điều hành, và ông Mohammed Al-Obaid, Giám đốc Chiến lược Công ty SALIC.

Ký Hiệp định CEPA Việt Nam-UAE: Mốc lịch sử mở đường lớn vào thị trường Trung Đông-châu Phi

Ngày 28/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ cùng lãnh đạo cấp cao UAE chứng kiến lễ ký Hiệp định CEPA giữa Việt Nam-UAE. Đây là dấu mốc tạo đột phá hợp tác hai bên

Sử dụng chữ ký số cá nhân VNPT SmartCA ngay trên VNeID

Từ ngày 28/10, người dân có thể khởi tạo chữ ký số VNPT SmartCA ngay trên ứng dụng VNeID của Bộ Công an và sử dụng chữ ký số này thực hiện ký số miễn phí hoàn toàn trên các cổng dịch vụ công.

Tuyên bố chung giữa Việt Nam và UAE về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện

Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung giữa nước CHXHCN Việt Nam và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện.

Tập trung ngăn chặn tình trạng "báo hoá" tạp chí, trang thông tin điện tử

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có công văn số 4544/BTTTT-TTra yêu cầu thanh tra các Sở Thông tin và Truyền thông tập trung thanh tra, kiểm tra những vấn đề “nóng” được nhân dân quan tâm, thuộc 4 lĩnh vực: Báo chí-xuất bản; thông tin trên mạng; bưu chính - viễn thông; an toàn thông tin.

Thủ tướng: Chăm lo cho người Việt Nam ở nước ngoài với trách nhiệm cao nhất

Chiều ngày 27/10 (theo giờ địa phương), tại Thủ đô Abu Dhabi, trong chuyến thăm chính thức Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phu nhân Lê Thị Bích Trân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có buổi gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam...