Xác định thủy nhân là "một hóa chất gây quan ngại toàn cầu" - với đặc tính lan truyền rộng trong không khí, tồn tại bền trong môi trường nhân sinh, khả năng tích tụ sinh học trong các hệ sinh thái và gây những tác động tiêu cực đáng kể đối với sức khỏe con người và môi trường - Công ước Minamata về thủy ngân ra đời nhằm giảm phát thải thủy ngân vào không khí, nguồn nước và đất, theo đó thiết lập những quy ước về lưu trữ và thải bỏ hóa chất này. Công ước cũng đặt ra quy định về xuất khẩu thủy ngân và tiến tới đến năm 2020 cấm sản xuất cũng như xuất nhập khẩu các sản phẩm có chứa thủy ngân như nhiệt kế và pin.
Công ước Minamata về thủy ngân được thông qua tại một hội nghị do Liên hợp quốc bảo trợ diễn ra ở thành phố Minamata (Mi-na-ma-ta), Nhật Bản vào tháng 10/2013, hơn 50 năm sau khi hàng nghìn công dân của thành phố này bị nhiễm độc thủy ngân do hải sản địa phương bị nhiễm thủy ngân từ nước thải của nhà máy hóa chất. Người bị nhiễm độc thủy ngân sẽ bị tổn thương hệ thần kinh, teo cơ, suy giảm thị lực, mất khả năng thính giác, nói khó khăn, trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến chứng tê liệt, hôn mê, thậm chí tử vong. Nhật Bản đã chính thức công nhận bệnh Minamata - một căn bệnh thần kinh do nhiễm độc thủy ngân vào năm 1956. Đến nay, 128 nước đã tham gia ký kết Công ước Minamata về thủy ngân, trong đó có Việt Nam.
Theo kế hoạch, các quốc gia đã ký kết Công ước Minamata về thủy ngân sẽ nhóm họp lần đầu tiên tại Geneva (Giơ-ne-vơ), Thụy Sĩ từ ngày 24-29/9 tới. Hội nghị sẽ thảo luận các biện pháp nhằm duy trì việc thực thi nghiêm túc công nước này. Dự kiến, một nạn nhân sống sót trong vụ nhiễm độc thủy ngân tại Minamata cũng sẽ tham gia hội nghị để nói về cuộc sống và các vấn đề phải đối mặt của người bị nhiễm độc thủy ngân./.