Quan hệ Nga - Mỹ: Những nút thắt đang cần tháo gỡ

Hôm nay (25/7/2017), Hạ viện Mỹ sẽ bỏ phiếu thông qua Dự luật áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga vì sát nhập Crimea vào năm 2014, cũng như vì can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ hồi năm 2016. Động thái này được dự báo sẽ đẩy quan hệ Nga – Mỹ leo thêm một nấc thang căng thẳng mới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị G20 ở Đức.

Trước đó, các nhà lãnh đạo của hai đảng thuộc Thượng viện Mỹ đã đạt được thỏa thuận về Dự luật trên. Thỏa thuận về lập pháp mới cũng sẽ hạn chế khả năng của Tổng thống Donald Trump về việc trừng phạt Nga. Dự luật mới của Mỹ sẽ gây khó khăn cho Tổng thống Trump sửa đổi các biện pháp trừng phạt hoặc trả lại tài sản ngoại giao mà không có sự đồng ý của Quốc hội.
 
Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống của mình, ông Trump đã gợi ý ông sẽ cân nhắc việc công nhận Crimea là một phần của Nga và đề nghị gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.
 
Trong tuyên bố chung, thủ lĩnh phe đa số tại Hạ viện Mỹ, ông Kevin McCarthy tuyên bố Nga là "mối đe dọa lớn" đối với Mỹ. Trong khi đó, thủ lĩnh phe thiểu số tại Thượng viện Mỹ, ông Chuck Schumer  khẳng định "một dự luật, bao gồm các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ mà các nghị sĩ đảng Dân chủ và Cộng hòa vừa đạt được, là cần thiết".
 
Phản ứng trước việc Mỹ thúc đẩy nhằm áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, người phát ngôn của Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho biết, Nga lấy làm tiếc trước quyết định này của giới chức Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ. Ông Peskov nhấn mạnh, việc Mỹ xúc tiến nhằm áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga sẽ không làm ảnh hưởng tới các chính sách của Moskva.
 
Ông Peskov cũng nói Moscow có "đánh giá vô cùng tiêu cực" về dự thảo trừng phạt của Mỹ, cho rằng những bình luận tại Washington về vấn đề này là phản tác dụng và gây tổn hại quan hệ Nga - Mỹ.
 
Quốc hội Mỹ sẽ có 30 ngày để nghe điều trần từ tổng thống trước khi bỏ phiếu bãi bỏ hoặc thông qua đề xuất trừng phạt nói trên.
 
Theo kế hoạch, dự luật này sẽ được trình Hạ viện xem xét vào ngày 25/7, sau đó là Thượng viện và cuối cùng trình Tổng thống Trump ký ban hành vào cuối tháng 7 này.
 
Mỹ trừng phạt Nga, châu Âu lo ngại
 
Trong khi đó, ngày 24/7, Liên minh châu Âu  đã thể hiện quan ngại việc Mỹ thúc đẩy các biện pháp tăng cường trừng phạt Nga, đồng thời hối thúc Washington tiếp tục phối hợp với các đối tác trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) trong vấn đề này để tránh những hậu quả không lường trước. Ủy ban châu Âu lo ngại,nếu lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Nga được thông qua, an ninh năng lượng của châu Âu sẽ bị ảnh hưởng. Tại cuộc họp báo hôm 24/7, Reuters dẫn lời một người phát ngôn của  Ủy ban châu Âu:"Chúng tôi đang theo dõi quá trình với một số quan ngại liên quan đến sự độc lập về năng lượng của Liên minh châu Âu cũng như những lợi ích về an ninh năng lượng" và "Chúng tôi đang kích hoạt tất cả kênh ngoại giao để cùng những đồng cấp Mỹ giải quyết những vấn đề nảy sinh từ chính sách của Mỹ".
 
Đức đã cảnh báo sẽ trả đũa Mỹ nếu lệnh trừng phạt mới nhằm vào các doanh nghiệp Đức, bao gồm những doanh nghiệp tham gia dự án Nord Stream 2, dự án xây đường ống dẫn khí từ Nga xuyên qua biển Baltic.
 
Ngày 24/7, Điện Kremlin cũng lên tiếng bày tỏ quan ngại rằng những biện pháp mới được đề xuất nhằm chống lại Moscow của Mỹ có thể gây tổn hại đến các dự án đầu tư lớn mà Nga đang hợp tác với các nước châu Âu. Tuy nhiên, Nga cho biết còn quá sớm để nói về việc có trả đũa hay không và nếu có sẽ như thế nào.
 
"Không cần nói cũng biết rằng chúng tôi và các đối tác châu Âu vô cùng coi trọng việc hoàn thành các dự án này và chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói. "Đó là lý do những cuộc thảo luận về 'chủ đề trừng phạt', việc có thể cản trở những dự án này, là mối quan ngại đối với chúng tôi".
 
Những lực cản không dễ vượt qua
 
Quan hệ Nga - Mỹ trở nên trầm trọng khi bán đảo Crimea sáp nhập vào thành phần Liên bang Nga tháng 3/2014. Mỹ và Liên minh châu Âu đã áp các lệnh trừng phạt với Nga, đẩy mối quan hệ giữa phương Tây và điện Kremlin xuống mức tồi tệ nhất kể từ thời Chiến tranh lạnh.
 
Việc ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ đã được dư luận kỳ vọng mở ra nhiều khả năng thúc đẩy mối quan hệ Nga- Mỹ. Bởi trong quá trình tranh cử Tổng thống Mỹ, ông Trump đã từng tuyên bố sau khi chính thức trở thành nhà lãnh đạo nước Mỹ, ông sẵn sàng xem xét vấn đề công nhận Crimea là một khu vực của Nga và dỡ bỏ lệnh trừng phạt nhằm vào Nga nếu đạt được thỏa thuận về cắt giảm vũ khí hạt nhân với Tổng thống Vladimir Putin, cũng như nếu Moskva giúp đỡ Washington trong cuộc chiến chống khủng bố và đạt được các mục tiêu quan trọng khác. Ông Trump đã cam kết sẽ xây dựng quan hệ tốt đẹp hơn với Nga và Tổng thống Putin cũng bày tỏ sẵn sàng thiết lập đối thoại với Mỹ.
 
Thế nhưng, quan hệ Nga - Mỹ đã rơi vào trạng thái “lao dốc không phanh”, thậm chí có lúc tưởng như bên bờ vực đối đầu. Sau hàng loạt những cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 hay Nga tấn công mạng nhằm vào Mỹ, việc chính quyền Mỹ tháng 6 vừa qua tiếp tục gia hạn trừng phạt Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine, là “giọt nước tràn ly” khiến Moskva cũng gia hạn đến 31/12/2018 lệnh cấm nhập khẩu vào Nga một số loại nông sản, nguyên liệu và thực phẩm từ Mỹ.
 
Tại điểm nóng Syria, mâu thuẫn giữa hai nước ngày càng gay gắt sau một loạt vụ liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu bắn hạ máy bay của quân đội Syria, và Nga có một loạt phản ứng “cứng rắn” như cắt đường dây nóng giảm xung đột và dừng cơ chế ngăn chặn va chạm trên không với Mỹ. Những động thái này làm gia tăng nguy cơ xảy ra rủi ro xung đột giữa hai lực lượng quân sự mạnh nhất thế giới tại Syria.
 
Bên cạnh đó, những yếu tố bất ngờ như vụ thử tên lửa ngày 4/7 của CHDCND Triều Tiên cũng “phủ bóng đen” lên quan hệ Nga - Mỹ. Chưa kể những bất đồng lâu nay, như việc Nga phản đối Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc.
 
Nhằm tìm kiếm giải pháp "phá băng" trong quan hệ, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20) tại Hamburg, Đức, ngày 8/7, Tổng thống Mỹ Trump và người đồng cấp Nga Putin đã có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên. Những tuyên bố của giới chức Nga - Mỹ sau cuộc gặp quan trọng vốn được chờ đợi từ lâu và thu hút sự chú ý của dư luận thế giới đều thể hiện sự hài lòng về kết quả đạt được. Cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ cũng phần nào cho thấy bất chấp những bất đồng chưa thể giải quyết, hai bên vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại.
 
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, trên thực tế, những kỳ vọng về việc quan hệ giữa Moskva và Washington sẽ “tan băng” khi ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ đã nhanh chóng tan biến bởi ý định của Tổng thống Mỹ Trump khôi phục đối thoại, tăng cường quan hệ với Nga đã bị ngăn chặn bởi cơ chế “kiểm soát và cân bằng” trong hệ thống chính trị Mỹ. Tổng thống Mỹ Trump cũng không thể đi ngược lại cương lĩnh của đảng Cộng hòa, vốn ủng hộ tiếp tục trừng phạt Nga.
 
Các chuyên gia lo ngại, việc Mỹ xúc tiến nhằm áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga sẽ khiến quan hệ Nga - Mỹ diễn biến tiêu cực và khó lòng cải thiện. Vì thế, "nút thắt" mâu thuẫn khó gỡ về ngoại giao giữa hai nước cần được giải quyết theo chiều hướng tích cực và xây dựng hơn. Hơn thế, căng thẳng giữa Nga và Mỹ chỉ có thể kết thúc khi cả hai nhận thức được rằng thế đối đầu hiện nay không những hủy hoại lợi ích của cả hai nước, mà còn ảnh hưởng lớn tới an ninh và ổn định toàn cầu./.
Theo Tấn Vũ/dangcongsan.vn

Tin Liên Quan

Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết yêu cầu Mỹ chấm dứt cấm vận Cuba

Tại kỳ họp lần này của Đại hội đồng, hơn 30 tham luận đã bày tỏ phản đối cuộc chiến kinh tế của Mỹ chống lại Cuba, đồng thời bác bỏ việc đưa Cuba vào danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố.

Tổng thống Venezuela chuyển thông điệp cảm ơn đến lãnh đạo Việt Nam

Tổng thống Maduro cho biết nhận lời mời của Tổng Bí thư Tô Lâm cũng như đáp lại tình cảm của các lãnh đạo chủ chốt Việt Nam, ông sẽ sớm thăm lại Việt Nam nhằm tiếp tục tăng cường quan hệ.

Tỉnh Miyagi của Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả bão lũ

Ngày 31/10, Chủ tịch Hiệp hội Giao lưu Nhật-Việt tỉnh Miyagi, ông Atsushi Kamada đến Ðại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản trao quà hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả của bão số 3 (tên quốc tế là Yagi), trị giá 1 triệu yen (hơn 170 triệu đồng).

Tuyên bố chung Việt Nam-UAE về nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện

Nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), lãnh đạo cấp cao Việt Nam và UAE nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Toàn diện vào ngày 28/10/2024. Báo Nhân Dân trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ...

Di sản tư liệu thế giới - nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy hiểu biết và hợp tác quốc tế

Từ ngày 28-29/10/2024, tại Trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ở Paris (Cộng hòa Pháp) đã diễn ra Hội nghị quốc tế về Chương trình Ký ức thế giới (MOW) và Diễn đàn chính sách toàn cầu lần thứ 4 về Di sản tư liệu.

Hợp tác quốc tế về chuyển đổi xanh

Kết thúc các cuộc thảo luận ở thủ đô Washington (Mỹ), các bộ trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) một lần nữa khẳng định quyết tâm đẩy mạnh quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch.