Giảm nghèo bền vững - Chính sách mới & cách tiếp cận đa chiều
Giảm nghèo là một chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong những năm qua. Trước đây, chúng ta đo lường và đánh giá chuẩn nghèo dựa vào tiêu chí thu nhập. Nếu người có thu nhập thấp dưới mức chuẩn nghèo thì được đánh giá thuộc diện hộ nghèo. Đây chính là chuẩn nghèo đơn chiều.Ảnh minh họa (Tác giả: Gia Chiến)
Nghèo đa chiều là cách tiếp cận mới. Kể từ ngày 5/01/2016, Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 chính thức có hiệu lực. Theo đó, chuẩn nghèo được xem xét từ góc độ thiếu hụt về thu nhập và các hạn chế trong tiếp cận 5 dịch vụ xã hội cơ bản là y tế, giáo dục, nhà ở, điều kiện sống và tiếp cận thông tin.
Tiêu chí xác định chuẩn nghèo mới
Theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg, tiêu chí hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020, cụ thể:
Hộ nghèo khu vực nông thôn là hộ đáp ứng một trong hai tiêu chí sau: 1- Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 đồng trở xuống; 2- Có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
Hộ nghèo khu vực thành thị là hộ đáp ứng một trong hai tiêu chí sau: 1- Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 900.000 đồng trở xuống; 2- Có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 900.000 đồng đến 1.300.000 đồng và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
Hộ cận nghèo khu vực nông thôn là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Hộ cận nghèo khu vực thành thị là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 900.000 đồng đến 1.300.000 đồng và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Hộ có mức sống trung bình ở khu vực nông thôn là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng.
Hộ có mức sống trung bình ở khu vực thành thị là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.300.000 đồng đến 1.950.000 đồng.
Tư duy mới, cách làm mới
Với nhận thức mới về nghèo đa chiều, nhiều chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn tới sẽ hướng đến giải quyết căn nguyên của đói nghèo là cải thiện thu nhập và kích lệ ý chí, nghị lực vươn lên của các hộ nghèo, trao cơ hội để họ thoát nghèo một cách bền vững. Tư duy mới, đòi hỏi cách làm mới. Đối với người nghèo, sẽ trao cho họ “cần câu” và hướng dẫn cách “câu cá” thay vì cho “cá” như trước đây. Đây vừa là mục tiêu chính, vừa là một trong 9 điểm mới của Chương trình giảm nghèo bền vững Quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016- 2020 là tập trung vào địa bàn khó khăn nhất, vùng sâu, vùng xa, dân tộc và miền núi. Thực hiện giảm nghèo theo tiêu chí đa chiều, lấy chỉ tiêu thu nhập là chính, bên cạnh đó xác định mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin, gắn kết với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và 21 Chương trình có mục tiêu. Thực hiện phân bổ vốn trung hạn, bảo đảm công khai, minh bạch, đẩy mạnh phân cấp cho địa phương, cơ sở; lấy đối tượng người nghèo làm trung tâm để thực hiện hỗ trợ, mở rộng thêm đối tượng hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, tạo điều kiện để người lao động là người sau cai nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS, phụ nữ bị buôn bán trở về. Đặc biệt, chuyển mạnh từ việc cấp phát, cho không sang hỗ trợ có điều kiện để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người nghèo trong việc phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước vươn lên thoát nghèo. Tăng cường trao quyền cho người dân, cộng đồng để phát huy sáng kiến, cách làm hay phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn. Cách thức triển khai thực hiện các dự án của Chương trình Giảm nghèo sẽ huy động đóng góp nguồn lực từ cộng đồng, đặc biệt là của người nghèo bên cạnh nguồn lực chủ yếu từ ngân sách Nhà nước. Về cơ chế, tổ chức bộ máy chỉ đạo điều hành thực hiện được thống nhất từ Trung ương đến cơ sở./.