Theo quy định hiện hành, TPP sẽ được triển khai khi các quốc gia chiếm tổng 85% GDP của 12 nước ký hiệp định hoàn tất thủ tục phê chuẩn trong nước. Vì vậy, việc Mỹ, thành viên chiếm tới 60% GDP toàn khối, rút khỏi TPP đồng nghĩa không thể đưa hiệp định vào thực hiện theo các điều khoản quy định hiện tại.
Các nhà đàm phán nhóm họp tại khu nghỉ dưỡng suối nước nóng Hakone, thuộc tỉnh Kanagawa, tìm cách đạt tiến triển trước khi các nhà lãnh đạo của 11 nước dự kiến gặp nhau vào tháng 11 tới tại Việt Nam bên lề Hội nghị cấp cao APEC.
Phát biểu với truyền thông ngày 11/7, Bộ trưởng Chính sách Tài chính và Kinh tế Nhật Bản Nobuteru Ishihara (Nô-bu-tê-ru I-si-ha-ra) cho biết cuộc thảo luận ở Hakone sẽ không phải là cuộc gặp cuối cùng trước cuộc họp thượng đỉnh vào tháng 11 tới. Các nhà đàm phán có thể sẽ nhóm họp lại vào tháng 9 tới.
Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, Nhật Bản hiện là nền kinh tế lớn nhất trong số 11 nước còn lại. Tokyo hy vọng đạt được một sự đồng thuận giữa các nước đàm phán TPP về cách thức duy trì sự tồn tại của hiệp định, nhấn mạnh rằng TPP là kết quả của nhiều năm đàm phán trước khi ký kết vào tháng 2/2016. Tuy nhiên, một số nước có thể kêu gọi đàm phán lại nội dung, bao gồm các loại thuế xuất nhập khẩu.
Theo Bộ trưởng Ishihara, Nhật Bản muốn thúc đẩy đàm phán hướng tới sớm thực thi TPP, bao gồm cả việc làm thế nào để đưa Mỹ trở lại hiệp định.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố nước này rút khỏi TPP ngay sau khi nhậm chức vào tháng 1/2017, cho rằng hiệp định đa phương này làm ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người Mỹ và nhấn mạnh Mỹ sẽ tiến hành đàm phán các hiệp định thương mại song phương.
TPP được ký kết tháng 2/2016, với 12 nước tham gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam, chiếm khoảng 40% kinh tế toàn cầu./.