Du lịch thời 4.0: Việt Nam trong 'tâm bão' toàn cầu
Internet và smartphone phát triển như vũ bão đang mang đến "thời hoàng kim" cho du lịch trực tuyến.Thị trường du lịch trực tuyến ở Việt Nam được dự báo sẽ cán mốc 9 tỉ USD vào năm 2025
Thị trường 9 tỉ USD
Theo báo cáo của tập đoàn Neilson, doanh số du lịch trực tuyến toàn cầu năm 2016 đạt 565 tỉ USD, tăng 13,8%. Châu Á-Thái Bình Dương và châu Mỹ Latinh là hai thị trường góp phần chủ yếu cho sự tăng trưởng ấn tượng này. Thậm chí, Neilson dự báo trong năm 2017, châu Á-Thái Bình Dương sẽ lần đầu tiên vượt qua Bắc Mỹ, trở thành thị trường du lịch trực tuyến lớn nhất thế giới. Động lực chính cho sự soán ngôi này nằm ở khu vực Đông Nam Á.
Số liệu báo cáo về nền kinh tế điện tử của khu vực Đông Nam Á do Google và Tập đoàn Temasek Holdings (Singapore) thực hiện vào năm 2016 cũng dự báo quy mô thị trường du lịch trực tuyến tại khu vực Đông Nam Á sẽ tăng trưởng gấp 4 lần, từ doanh thu 21,6 tỉ USD năm 2015 tới chạm mức 90 tỉ USD vào năm 2025. Đáng chú ý, Việt Nam chiếm khoảng 10% doanh số này, tương đương với gần 9 tỉ USD.
Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc nhận định, dân số trẻ ở Đông Nam Á, điển hình như Việt Nam, có vai trò to lớn trong việc thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành du lịch. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và sự phát triển của truyền thông xã hội đã làm thay đổi đáng kể thị trường du lịch. Các công ty lữ hành buộc phải thay đổi cách kinh doanh, từ đón khách hàng trực tiếp tại văn phòng, đại lý,... sang kinh doanh trực tuyến, chốt tour chỉ sau vài cú click chuột.
Tại Ngày hội du lịch trực tuyến vừa được tổ chức tại TPHCM (4/7), bà Tú Lê, phụ trách mảng du lịch và bán lẻ của Google châu Á-Thái Bình Dương đã đưa ra những con số thú vị về "cơ hội vàng" cho ngành du lịch trực tuyến ở Việt Nam.
Theo đó, trung bình mỗi ngày, người Việt thao tác trên điện thoại thông minh 150 lần tương ứng 177 phút, mỗi lần thao tác trung bình 1 phút 10 giây. Thị trường Việt Nam và Mỹ có sự tương đồng khi tỷ lệ người dùng smartphone chiếm 72% tổng số người dùng điện thoại di động. Nhưng ở Mỹ chỉ 18% người dùng smartphone tìm kiếm thông tin về khách sạn thì ở Việt Nam có tới 48%. Ở Mỹ 25% người dùng smartphone tìm kiếm thông tin về tour, du lịch trải nghiệm... thì ở Việt Nam lên tới 42%.
"Chúng ta đang sống trong một thời đại mà tất cả các hoạt đồng đều gắn liền với smartphone, thậm chí còn có nhiều khóa thiền giúp cai nghiện smartphone. Nhưng nếu nhìn về phía các doanh nghiệp du lịch trực tuyến thì đây lại là cơ hội rất tốt để họ tiếp cận những khách hàng tiềm năng của mình. Làm sao để doanh nghiệp hiện diện trong 177 phút thao tác trên smartphone của khách hàng? Xuất hiện mọi nơi, tương tác nhanh chóng, cung cấp thông tin hữu ích theo đúng nhu cầu tìm kiếm của khách hàng là điều doanh nghiệp cần làm", bà Tú Lê nhận định.
Du lịch thời 4.0
Sau 20 năm từ ngày khai trương website du lịch đầu tiên ở Việt Nam, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam cảm thấy hơi đáng tiếc khi du lịch nước nhà đã đi sau quá nhiều trong lĩnh vực thương mại điện tử.
"Đầu năm 1997, ngay khi Chính phủ chính thức cấp phép sử dụng internet, chúng tôi nghĩ rằng du lịch sẽ là ngành được tận hưởng tiện ích này lớn nhất. Chúng tôi bắt đầu sang Mỹ để tìm hiểu và tới tháng 12/1997, website du lịch đầu tiên ở Việt Nam chính thức được khai trương. Lúc đó, chúng tôi chỉ hiểu được rằng internet sẽ mang lại cho ngành du lịch một luồng gió mới là cung cấp thông tin. Rồi du lịch trực tuyến phát triển cực kỳ mạnh mẽ ở Mỹ. Chúng tôi chợt nhận ra ngoài việc quảng bá thì làm thế nào phải đưa kinh doanh vào website của mình", ông Bình nói.
Tuy nhiên, khái niệm thương mại điện tử khi đó chưa rõ ràng, các hệ thống thanh toán điện tử thì lại càng không thể bàn đến. "Điều chúng tôi làm được chỉ là tạo điều kiện cho những người đi du lịch có thể tìm kiếm thông tin xây dựng cho mình các tour, sản phẩm thích hợp. Nhưng trên thực tiễn công việc đó không hề dễ dàng. Du lịch đã đi đầu trong việc xây dựng trang web, truyền thông trên internet nhưng lại đi sau các ngành trong lĩnh vực thương mại điện tử. Cho tới khoảng 5-6 năm gần đây, ngành du lịch Việt Nam mới đang tiệm cận lĩnh vực trực tuyến", ông Vũ Thế Bình bày tỏ.
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam cũng nhận định, du lịch đi tiên phong trong ứng dụng internet nhưng đáng tiếc đã mất một khoảng thời gian chững lại. Cho tới gần đây du lịch Việt đang bắt đầu có chuyển động mạnh mẽ ở cả 3 khối: Cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và người tiêu dùng.
"Đầu năm 2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chỉ 6 tháng sau, Quốc hội thông qua Luật Du lịch (sửa đổi). Tổng cục Du lịch đang xây dựng Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành du lịch đến 2020 và tầm nhìn đến 2030. Đó là những chuyển động mạnh mẽ nhất từ phía cơ quan quản lý. Còn người đi du lịch thì càng ngày càng thông minh. Xu thế đã rất rõ ràng. Doanh nghiệp có kịp thay đổi để bắt kịp hay không mà thôi", ông Nguyễn Thanh Hưng bày tỏ.
Ngành du lịch sẽ là ngành được hưởng lợi nhiều nhất khi Việt Nam thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đó là nhận định của ông Nguyễn Thế Trung, Tổng Giám đốc một công ty đang làm Đề án ứng dụng công nghệ thông tin cho ngành du lịch.
Cũng theo ông Trung, dựa trên nghiên cứu thị trường, rà soát khoảng trống giữa công nghệ và du lịch, chắc chắn du lịch sẽ là ngành tiếp sau công nghệ thông tin tạo ra sự đột phá trong tiêu dùng và cung cấp dịch vụ. Bởi lẽ hai ngành này có khả năng cung cấp những dịch vụ cá thể hóa tới khách hàng.
"Cung cấp dịch vụ cá thể hóa là một khái niệm mới. Trong lĩnh vực du lịch, có thể hiểu nôm na rằng, khi một khách hàng nhận phòng khách sạn thì nhiệt độ, bài trí, menu đồ ăn... đã được điều chỉnh đúng theo nhu cầu mong muốn của khách. Và để làm được điều đó, để ngành du lịch thắng trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 thì các doanh nghiệp phải đem tới một sự khởi đầu tốt lành", ông Trung bày tỏ.