Ông José Graziano da Silva nhấn mạnh thực tế rằng 60% những người đang phải chịu nạn đói trên thế giới sống tại các nước bị tác động bởi một cuộc xung đột hoặc đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu.
FAO hiện xác định được 19 quốc gia trong những tình huống khủng hoảng kéo dài, thường xuyên phải đối mặt với hiện tượng khí hậu cực đoan như hạn hán và lũ lụt. Tổ chức này cũng thông báo nguy cơ cao nạn đói có thể xảy ra ở Đông Bắc Nigeria, Somalia, Nam Sudan và Yemen với 20 triệu người bị ảnh hưởng nặng nề.
Theo Tổng giám đốc FAO, sinh kế của những người dân này, phần lớn là người dân nông thôn, đã bị xáo trộn và nhiều người không còn sự lựa chọn nào khác là buộc phải di cư. "Cần có một cam kết chính trị mạnh mẽ để xóa bỏ nạn đói, nhưng vẫn chưa đủ. Chúng ta chỉ có thể chấm dứt những đau khổ gắn liền với nạn đói khi các quốc gia thực hiện những cam kết mà họ đã đưa ra, đặc biệt là ở cấp quốc gia và địa phương” – ông da Silva nhấn mạnh.
Tổng giám đốc FAO nêu rõ: Hòa bình rõ ràng là giải pháp mấu chốt để chấm dứt các cuộc khủng hoảng nhưng chúng ta không thể chờ đợi thiết lập hòa bình. Và FAO, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) và Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) đang làm việc rất vất vả để giúp người dân dễ bị tổn thương. Vấn đề rất quan trọng là phải bảo đảm rằng tất cả những người này có điều kiện cần thiết để tiếp tục sản xuất thức ăn cho chính họ. “Những dân số dễ bị tổn thương không thể bị bỏ qua, đặc biệt là thanh niên và phụ nữ” – ông khẳng định.
Hội nghị của FAO tổ chức tại Roma từ 3 – 8/7 nhằm xem xét và bỏ phiếu cho chương trình làm việc và ngân sách, đồng thời xác định các lĩnh vực hành động ưu tiên liên quan đến việc thực phẩm và nông nghiệp.
Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững là một phần trong những ưu tiên chính của FAO trong hai năm tiếp theo. Cơ quan này cũng tập trung vào các nỗ lực để thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu ảnh hưởng của hiện tượng này, chống xóa đói giảm nghèo, tình trạng thiếu nước, hiện tượng di cư và hỗ trợ các sinh kế nông thôn bị ảnh hưởng bởi xung đột và các công việc đang được tiến hành về dinh dưỡng, thủy sản, lâm nghiệp và hiện tượng kháng kháng sinh.
Trong bài phát biểu về tương lai của nền kinh tế nông nghiệp trong bối cảnh Thỏa thuận Paris về khí hậu, Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Achim Steiner nêu rõ nông nghiệp chỉ chiếm 4% Tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu, nhưng vai trò của nó quan trọng hơn rất nhiều và phạm vi của nó đã góp phần cho ra đời "những câu chuyện đáng kinh ngạc" về con người, đất đai và cây trồng. Tuy nhiên, những chính sách không phù hợp và thiếu sự quan tâm về ngân sách trong một lĩnh vực mà hiện bị ảnh hưởng bởi nồng độ chất thải cao và tình trạng xói mòn tài nguyên thiên nhiên, phản ánh một "chiến lược có nguy cơ cao"./.