Với nhan đề “Thu hẹp khoảng cách”, nghiên cứu của UNICEF chỉ ra rằng số lượng sự sống được cứu thông qua việc đầu tư hàng triệu USD cho những người nghèo nhất cao hơn gấp gần 2 lần so với số lượng các sự sống được cứu bởi các khoản đầu tư tương đương nhằm mục tiêu vào những nhóm dân số ít thiệt thòi hơn.
Trong tuyên bố được đưa ra, Giám đốc điều hành UNICEF Anthony Lake cho biết: "Minh chứng rất đáng thuyết phục: Đầu tư cho những trẻ em nghèo nhất không chỉ đúng về nguyên tắc, mà cũng đúng trong thực tế – giúp cứu được nhiều sự sống bởi mỗi USD bỏ ra”.
Nghiên cứu này khẳng định một giả thuyết do UNICEF đặt ra năm 2010: mặc dù chi phí ban đầu cao hơn song các khoản chi tiêu bổ sung hỗ trợ trẻ em nghèo nhất sẽ được bù đắp bằng những kết quả tốt hơn.
"Đây là những thông tin quan trọng đối với các chính phủ vốn đang nỗ lực để chấm dứt tất cả các trường hợp trẻ em tử vong" – ông Lake đánh giá, đồng thời nhấn mạnh rằng cách tiếp cận tập trung vào việc giảm thiểu bất bình đẳng trong sự sống còn của trẻ em cũng có thể giúp phá vỡ chu kỳ liên thế hệ của nghèo đói. Khi trẻ em khỏe mạnh, các em có thể để học tập tốt hơn ở trường và có được một cuộc sống tốt hơn khi trưởng thành.
Nghiên cứu của UNICEF tiến hành trong giai đoạn 2003 – 2016, phân tích dữ liệu mới từ 51 quốc gia, nơi xảy ra khoảng 80% tổng số ca tử vong ở trẻ sơ sinh đến trẻ dưới 5 tuổi. Nghiên cứu đánh giá việc truy cập vào 6 can thiệp về sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh với tác động mạnh như: việc sử dụng màn chống muỗi, cho trẻ bú sữa mẹ sớm, chăm sóc trước khi sinh, tiêm chủng đầy đủ, có nhân viên đỡ đẻ có tay nghề cao trong khi sinh, và chăm sóc cho trẻ bị tiêu chảy, sốt hoặc viêm phổi.
Các kết quả của nghiên cứu cho thấy việc tiếp cận của những người nghèo nhất với các can thiệp có tác động mạnh về y tế và dinh dưỡng đã được cải thiện nhanh chóng trong những năm gần đây, tạo điều kiện cho việc thực hiện các tiến bộ về bình đẳng. Như vậy, trong giai đoạn nghiên cứu, tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi gắn liền với cải thiện tỷ lệ bao phủ các can thiệp y tế trong nhóm dân số nghèo đã giảm nhanh hơn gấp 3 lần so với giữa các nhóm không nghèo. Bên cạnh đó, can thiệp giữa các nhóm nghèo cũng đem lại lợi ích hiệu quả hơn gấp 1,8 lần khi cứu được nhiều sự sống.
Do tỷ lệ sinh cao hơn trong nhóm dân số nghèo nên việc giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em nghèo dưới 5 tuổi đã dẫn đến kết quả là số người được cứu sống cao hơn 4,2 lần trong số 1 triệu người. Trên thực tế, trong giai đoạn từ năm 1990 – 2015, tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm một nửa ở Afghanistan và 74% ở Bangladesh và Malawi./.