“Tháp Eiffel” trên “Cao nguyên trắng”
Núi Cô tiên nằm trên địa phận xã Bản Phố, huyện Bắc Hà. Nếu leo bộ từ phía Bắc theo vòng cung núi đá điệp trùng xuôi về hướng Nam, qua địa phận Quan Thần Sán, du khách sẽ gặp một quả núi đơn lẻ, cao ngất trời. Từ nơi này nhìn về phía Nam, du khách sẽ gặp sự trầm tĩnh, cổ kính của dinh thự Hoàng A Tưởng; sự ồn ào, nhộn nhịp của khu chợ Bắc Hà và những thảm lúa, nương ngô, vườn mận... Nhìn ra xa, bạn sẽ gặp vùng đất thuộc các xã mà nghe tên đã thấy đầy cuốn hút như: Thải Giàng Phố (Dốc mặt trời lên), Bản Phố (Bản lưng chừng dốc), Hoàng Thu Phố (Lối đất đỏ), Cốc Ly (Gốc Lý).
Núi Cô tiên sừng sững giữa đất trời. |
Người dân ở đây kể rằng: Ngày ấy, có hai cha con nhà nọ đi chợ Bắc Hà về đến chốn này thì người con gái bị cảm nặng. Người cha loay hoay đủ mọi phương cách nhưng không cứu được con. Đau buồn, tuyệt vọng, ông đành chặt cây lấy cành lá đắp thi thể con rồi chạy xuống một bản gần đấy xin mấy nén nhang để thắp cho vong hồn con. Sau khi nghe ông lão kể lại sự tình, bà con dân bản bảo nhau, người góp công, người góp của, cùng nhau theo ông lão lên núi làm ma. Khi mọi người tới chỗ người con gái xấu số thắp nhang thì lạ thay, cô gái tỉnh dậy, nói năng hoạt bát như người vừa qua một giấc ngủ. Kỳ lạ hơn khi người con gái kể đã gặp Quan Âm Bồ Tát, Phật Bà dặn dò cô việc thờ phụng ở chốn dương gian rồi dẫn cô trở về cõi trần. Mọi người bàng hoàng ngước lên trời liền bắt gặp đám mây ngũ sắc tụ ngay trên đỉnh đầu. Thấy đây là điềm lành và để tạ ơn Quan Âm Bồ Tát cứu mạng cho con gái, người cha cùng dân bản đã thuê người đục am trên vách đá cao, rồi tạc tượng Quan Âm Bồ Tát để thờ.
Dưới chân Núi Cô tiên là những bản làng trù phú. |
Theo dòng huyền thoại đó, hằng năm, cứ đến ngày 19/9, dân bản lại mang oản, vải đỏ tới đây để cầu Quan Âm Bồ Tát xin điều lành, xoá điều dữ. Bản người Mông nằm nép ngay dưới vách đá được mang tên Quán Dín Ngài (nơi thờ Quan Âm). Ngay dưới chân vách đá thờ là những thửa ruộng bậc thang xếp liền nhau, vụ nào cũng cho những bông lúa vít cong, mang ấm no đến mọi nhà. Và một điều khác biệt nữa là trong tín ngưỡng người Mông ít chịu ảnh hưởng của các dân tộc khác, việc thờ cúng chủ yếu là thờ trong nhà; thờ cúng cộng đồng thường chỉ là những gốc cây to, hòn đá hình thù khác lạ, trong rừng cấm... Việc thờ Phật Bà Quan Âm trên núi Cô Tiên chứng tỏ sự giao thoa văn hoá của dân tộc Mông ở đây với các dân tộc khác đã có những ảnh hưởng nhất định.
Bắc Hà đang thời mở cửa, cùng với hoa thơm, quả ngọt, khí hậu mát lành, bản sắc văn hoá dân tộc thì núi Cô Tiên - “Tháp Eiffel” thiên tạo cùng những huyền thoại đang gọi mời du khách tới thăm “Cao nguyên trắng”.