Liên hợp quốc kêu gọi ngăn chặn sa mạc hóa để xây dựng một tương lai bền vững
Nhân Ngày quốc tế chống sa mạc hóa (17/6), các quan chức của Liên hợp quốc đã đồng loạt kêu gọi hành động trên quy mô toàn cầu để ngăn chặn sa mạc hóa và xây dựng một tương lai bền vững.Trong thông điệp được đưa ra, Tổng giám đốc Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) Irina Bokova tuyên bố cho biết: “Vào ngày này, chúng ta phải nhận ra rằng sa mạc hóa là một hiện tượng toàn cầu đang đe dọa tất cả các cư dân của hành tinh này, và chúng ta phải bắt đầu hành động trên quy mô toàn cầu để xây dựng một tương lai bền vững và ổn định cho tất cả mọi người”.
Năm nay, Ban Thư ký Công ước Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa kêu gọi tập trung vào khả năng sống của đất đai và các điều sống trong những cộng đồng nông thôn cho thanh thiếu niên. “Nhờ đầu tư đúng trong sử dụng đất đai, cơ sở hạ tầng nông nghiệp và phát triển các kỹ năng, tương lai có thể sẽ đầy hứa hẹn" – Thư ký điều hành Công ước Monique Barbut nhấn mạnh. “Chúng ta phải gửi một thông điệp rõ ràng rằng nếu đất được quản lý đúng cách, đất đai có thể cung cấp không chỉ đủ để tồn tại mà còn là nơi mà các cá nhân và cộng đồng có thể xây dựng một tương lai".
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, 135 triệu người có thể phải di cư do sa mạc hóa và 60 triệu người phải rời khỏi khu vực châu Phi cận Sahara để tới Bắc Phi và châu Âu.
Những khu vực khô cằn và bán khô hạn sẽ ảnh hưởng nhiều nhất bởi hiện tượng sa mạc hoá và các phong trào di cư. Những người dân nông thôn, vốn dựa vào sinh kế đồng ruộng, nông nghiệp và các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẽ bị ảnh hưởng mạnh mẽ.
Theo Tổng giám đốc UNESCO, phải đối phó với những xu hướng này bằng cách hành động ở hai cấp độ. Trước tiên, chúng ta cần phải quản lý đúng cách đất đai bởi đây là điều cần thiết để ngăn chặn sa mạc hoá và duy trì năng suất của đất đai. Thứ hai, chúng ta phải tăng cường khả năng phục hồi của những người dân dễ bị tổn thương bằng cách hỗ trợ sinh kế thay thế để phá vỡ vòng luẩn quẩn của sa mạc hóa và những hậu quả kinh tế xã hội vốn thường dẫn đến hiện tượng di cư./.