Người nuôi thành công cá Hồi trên đỉnh “sừng cong”

Sau cơn mưa rào đêm hôm trước, trời nắng bừng lên, cao xanh và trong lành. Mây trắng vắt ngang đỉnh núi dưới nắng vàng như rót mật. Vượt hơn một trăm cây số đường quanh co dốc núi, chúng tôi đã có mặt tại Khau Co, huyện Văn Bàn, một trong những đỉnh đèo trong dãy Hoàng Liên Sơn, nơi được ví là “cửa ngõ” của tỉnh Lào Cai, nối liền sang đất bạn Lai Châu.

Anh Hải đang chăm sóc cá Hồi. (Ảnh: Thanh Cường)
 
Bắt đầu chạm chân vào đến phần đất thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn (Lào Cai) thì hẳn nhiên có một sự khác biệt đến lạ. Tiết trời dịu mát hẳn. Đã sang tháng 5 mà Nậm Xé vẫn như chiếc máy điều hòa không khí khổng lồ mà tạo hóa đã ban cho vùng đất Văn Bàn với bạt ngàn những cánh rừng nguyên sinh xanh ngút ngát.

Ở Khau Co quanh năm gió thổi. Gió nhiều vô kể. Gió khiến những vạt cây hai bên đường nghiêng ngả. Gió mạnh nhất vào tháng 2 tháng 3, có khi dữ dội như muốn thổi bay tất cả, nhưng cũng có lúc hiền hòa như vỗ về… Cung đường lên Khau Co với chúng tôi thật thú vị và nhiều cảm xúc. Cái cảm giác mình thật nhỏ bé trước thiên nhiên hùng vỹ của núi rừng và của biết bao điều bí ẩn.   

Điểm dừng chân của chúng tôi là trại nuôi cá Hồi của người cựu cán bộ kiểm lâm đã bước sang tuổi xế chiều. Anh Hải niềm nở chào đón chúng tôi bên ấm trà nóng. Rồi cứ như quen thân từ rất lâu, câu chuyện giữa chúng tôi với anh ngày càng rôm rả. Anh Hải say sưa kể về khu rừng nguyên sinh nơi này, nơi đỉnh đèo hun hút gió và mây trắng bao phủ…Cách đây gần 40 năm, hồi ấy còn chưa có đường lên đây, cả một khoảng rừng nguyên sinh rậm rạp, phương tiện di chuyển chỉ là đi bộ theo đường mòn, xuyên qua những cánh rừng già. Sau năm 1979, mới có tuyến Quốc lộ 279 đi qua đỉnh đèo này. Thoạt đầu, đứng giữa bạt ngàn gió nói, chúng tôi cứ ngỡ, Khau Co là đèo gió, nhưng theo lý giải của anh Hải, thì Khau Co có nghĩa là “chiếc sừng cong”… Gắn bó bao năm với những cánh rừng nơi này, cũng có lúc anh được biệt phái lên “canh” khu rừng già Dền Sáng - Y Tý (Bát Xát), nhưng rồi có lẽ như một duyên nợ với Khau Co, anh lại trở về Văn Bàn.

Cho đến thời điểm này, anh Hải là người đầu tiên, cũng là người duy nhất nuôi thành công giống cá hồi “đỏng đảnh” trên đỉnh núi “sừng cong” ấy. Giờ thì đã ngót 10 năm, không chỉ đêm ngày nghe tiếng róc rách của suối mà anh còn thức, ngủ cùng cá Hồi. Như duyên nợ với con cá đến từ xứ Bắc Âu và “định cư” được trên đỉnh núi mây ngàn này, phần lớn cũng nhờ vào tâm huyết thuần dưỡng nó của những người như anh Hải. Từ 60 triệu đồng hỗ trợ của Sở Khoa học - Công nghệ, anh Hải đã củng cố lại lán trại, dần dần đầu tư xây dựng thành điểm nuôi cá Hồi phục vụ khách tham quan, du lịch.


Các món ngon chế biến từ cá Hồi.

Thực sự không phải lần đầu tiên chúng tôi ăn gỏi cá Hồi, nhưng cảm giác trên đỉnh mây ngàn, giữa tiếng gió vi vút, tiếng lá rừng xào xạc, tiếng nước chảy róc rách mà thưởng thức các món từ cá Hồi mới cảm nhận hết được tình yêu và tâm huyết của người cựu cán bộ kiểm lâm nơi này.

Ấp ủ biết bao dự định, nhưng có lẽ cái điều thôi thúc và luôn canh cánh trong lòng anh Hải xuất phát từ chính tình yêu mảnh đất này. Ấy là mong muốn gây dựng nơi đây trở thành điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Anh chia sẻ về dự án làm du lịch tại đây. Ngoài phát triển dịch vụ nghỉ dưỡng, ẩm thực cá Hồi, anh sẽ phối hợp với các thôn, bản thành lập các Câu lạc bộ dân tộc Mông Xanh, Dao đỏ, có thù lao hằng tháng cho các thành viên tham gia. Đồng thời, sẽ mở rộng phát triển mô hình chăn nuôi đặc sản gà bản, lợn rừng. Sau này, mở rộng các homestay tại các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số  vùng cao Lào Cai để phục vụ khách du lịch.

Chia tay Khau Co, chia tay người nuôi thành công cá Hồi trên đỉnh “sừng cong”, chúng tôi lên xe trở về. Đâu đó vang lên bản nhạc “Rừng xanh yêu thương” khiến cho  cảm xúc dâng trào đến lạ. Một niềm tin vào rừng xanh, tin vào tình yêu của con người với mảnh đất non ngàn sẽ đem đến những thành công cho Khau Co./.
Thanh Cường

Tin Liên Quan

[Ảnh] Lễ hội hoa sen đá trong mùa săn mây đẹp nhất năm tại Sa Pa

Mở đầu cho chuỗi hoạt động kích cầu lớn nhất năm 2024 tại thị xã Sa Pa, ngày 29/10, Khu du lịch Sun World Fansipan Legend tổ chức Lễ hội Hoa sen đá với chủ đề “Chào ánh nắng, chào yêu thương”.

Hơn 100 doanh nghiệp du lịch Sa Pa chung tay kích cầu, ưu đãi đến 50%

Ngày 29/10, UBND thị xã Sa Pa, Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai phối hợp với Khu du lịch Sun World Fansipan Legend tổ chức chương trình kích cầu du lịch lớn nhất năm 2024 với chủ đề “Chạm Sa Pa – Chạm những tầng mây”.

Định hướng phát triển du lịch làng nghề

Nghề thủ công ở Lào Cai xuất hiện từ rất sớm. Làng người Mông thường có một, hai hộ làm nghề rèn đúc, sửa chữa nông cụ, chạm khắc bạc, làm đồ trang sức. Làng người Tày lưu giữ nghề trồng bông dệt vải, bán vải chàm, vải bông ở các chợ vùng cao...

[Ảnh] Bắc Hà mùa thu

Mùa thu, Bắc Hà đẹp mê mẩn với những ngọn núi bao phủ trong mây trắng bồng bềnh, đồi hoa tam giác mạch đang mùa bung nở, các thiếu nữ xúng xính váy áo xuống chợ phiên...

Lên Y Tý ngắm nhà Trình tường

Y Tý là một xã vùng cao của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai với thiên nhiên tươi đẹp, núi non hùng vĩ, không khí trong lành.

[Ảnh] Những điểm đến đẹp ở Sa Pa

Sa Pa đẹp nhất vào mùa nào? Thật khó để có thể tìm một câu trả lời tròn vẹn. Bởi người ta vẫn ví Sa Pa giống như một nàng công chúa, đẹp ở mọi góc cạnh, khuôn hình. Có người thích mùa xuân ngọt ngào; người thích mùa hạ rực rỡ; người thích mùa thu dịu dàng, lãng mạn; người lại thích mùa đông lạnh...